Tên lửa có cánh tầm xa của Nga đã bay 1.500 km trên thực địa và khả năng có thể bay xa 2.500 - 2.600 km. Như vậy, không riêng gì Đông Âu mà toàn bộ châu Âu đều nằm trong tầm ngắm của loại tên lửa này. Hơn thế nữa, radar của NATO không thể phát hiện được tên lửa bay thấp.
Theo tạp chí Mỹ The National Interest, tên lửa có cánh tầm xa của Nga được phóng đi không chỉ từ những chiến hạm lớn mà còn từ những chiến hạm tương đối nhỏ, nhỏ tới mức có thể vừa chạy trên biển vừa chạy trên sông. Như vậy, tiểu chiến hạm Nga có thể di chuyển trên sông Volga, nhưng khi cần lập tức tiến vào biển Caspian và phóng tên lửa tầm xa. Nga có thể sản xuất hàng trăm tiểu chiến hạm như vậy chẳng khác gì sản xuất xe tăng.
Một điều khiến Mỹ cũng hết sức lo ngại là tên lửa tầm xa của Nga không chỉ được phóng đi từ biển. Những diễn biến vừa qua cho thấy tham gia vào việc bắn phá các vị trí của IS từ biển Caspian không chỉ có các chiến hạm mà còn có cả chiến đấu cơ Tu-160 - loại máy bay được trang bị tên lửa KH-555 có tầm xa 2.500 km và tên lửa KH-101 có tầm xa 5.000km. Đây là một thách thức lớn đối với Mỹ vì chiến đấu cơ tầm xa của Nga được trang bị tên lửa có cánh tầm xa có thể tấn công các mục tiêu ngay trên đất Mỹ mà vẫn không ra khỏi không phận Nga.
Các tàu sân bay Mỹ giờ đây cũng bị đe dọa. Chẳng hạn, một chiến hạm nhỏ của Nga ở một nơi đâu đó trên hồ Ladoga (một chiếc hồ lớn ở mạn bắc Nga, gần biên giới châu Âu) phóng đi một tên lửa tầm xa. Vì bay thấp nên tên lửa bay qua toàn bộ lãnh thổ châu Âu mà không ai nhận thấy. Được dẫn đường bởi vệ tinh thuộc hệ thống GLONASS của Nga, tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu là một tàu sân bay đang hoạt động đâu đó gần eo biển La Manche giữa Anh và Pháp.