Với các mỏ uranium lớn, nhiều nhà máy điện hạt nhân đang vận hành đủ khả năng làm giàu nguyên liệu hạt nhân, cùng với đó là kinh nghiệm của các tập đoàn chế tạo tên lửa đạn đạo từ thời Xô Viết, Ukraine hoàn toàn có thể tạo ra bom hạt nhân trong vòng 10 năm.
Phó chủ tịch ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Liên bang Nga, ông Frants Klintsevich cho biết: “Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valery Geletei tuyên bố quốc gia này có thể lấy lại vị thế của một cường quốc hạt nhân và tạo ra các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuyên bố này là một sự khiêu khích. Tuy nhiên, nó cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc".
Ông Frants Klintsevich nhấn mạnh: “Không nên quên một thực tế rằng, với trình độ khoa học công nghệ của mình, Ukraine sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào để có thể tạo ra một quả bom hạt nhân”.
Phó chủ tịch ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Frants Klintsevich cũng đề cập tới việc, quốc gia láng giềng Ukraine có 17 đơn vị năng lượng điện hạt nhân không được thiết kế để làm giàu.
“Nếu họ (Ukraine) có ý định sử dụng một số đơn vị năng lượng hạt nhân cho mục đích phát triển bom hạt nhân, thì Kiev mất khoảng 10 năm để tiến hành chuyển hóa cùng những quy trình công nghệ phức tạp khác”, ông Frants Klintsevich nói.
Tuy nhiên, theo giới chức quốc phòng Duma Quốc gia Nga, “Sẽ rất ngạc nhiên nếu châu Âu không đưa ra bất kỳ phản ứng nào với tuyên bố như vậy của Kiev, một quốc gia ký cam kết với châu Âu cũng như thế giới không duy trì vũ khí hủy diệt lớn này”.
Ukraine gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1994 sau khi cùng Nga, Mỹ và Anh đã ký Biên bản ghi nhớ Budapest, theo đó các nước trên sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, đổi lấy việc Ukraine giao nộp toàn bộ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô cho Nga. Đây cũng là hiệp ước đã được chính quyền lâm thời Ukraine và phương Tây viện dẫn để phản đối việc Nga sáp nhập lại Crimea vốn là một Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.
“Tuyên bố của chính quyền Kiev mâu thuẫn với các quy định quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)”, bởi theo ông Frants Klintsevich “vũ khí hạt nhân là một công cụ răn đe cho các quốc gia láng giềng”.
Chuyên gia quân sự hàng đầu nước Nga, ông Andrei Klenov thừa nhận: “Ukraine được thừa hưởng nguồn lực vô cùng lớn từ Liên Xô trước đây, trong đó có công nghệ hạt nhân vốn được Xô Viết chế tạo và sử dụng cho mục đích hòa bình.
Họ (Ukraine) không cần phải bắt đầu từ đầu. Phía Tây Ukraine và một phần phía Đông nước này có nhà máy sản xuất tên lửa Satana (hệ thống tên lửa chiến lược thế hệ thứ ba của Liên Xô).Trước khi xung đột chiến sự ở Ukraine nổ ra, các nhà máy này đã dừng hoạt động, trong khi tất cả các tài liệu kỹ thuật, biểu đồ và công nghệ đã được chuyển giao cho Kiev”.
Ngoài ra, Ukraine hiện cũng đang sở hữu Tochka U, một hệ thống tên lửa chiến thuật trong đó sử dụng tên lửa đạn đạo thông thường với tầm bắn 120 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
“Nếu Tổng thống Ukraine quyết định tạo ra vũ khí hạt nhân, hoặc đơn giản nhất là ‘bom bẩn’ với chất nổ thông thường, thì nguyên tố phóng xạ có thể được tạo ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl có thể giúp Kiev toại nguyện trong vài ngày tới”, chuyên gia Klenov cảnh báo.
Trước đó, hôm 14/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valery Geleteicho biết khả năng phát triển vũ khí hạt nhân nếu phương Tây từ chối giúp đỡ Ukraine: “Nếu chúng ta không thể bảo vệ (Ukraine) từ ngày hôm nay, nếu thế giới không giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ phải quay trở lại tái tạo các vũ khí để bảo vệ mình trước mối đe dọa từ Liên bang Nga”.