Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện Mỹ về trang bị vũ khí quốc phòng diễn ra hôm 3/3, Chủ tịch tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, nếu Nga cố tình vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF, đe dọa tới an ninh của Mỹ và đồng minh, Mỹ sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng.
Theo lời tướng Dempsey, phản ứng của Mỹ “sẽ nằm trong khuôn khổ của Hiệp ước INF”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng nhấn mạnh, rằng Mỹ “có thể và sẽ trả lời” đối với những vi phạm có thể xảy ra của Nga đối với Hiệp ước INF.
Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, có 3 phương án mà Washington có thể hành động đối với trường hợp này.
Theo đó, nếu Mỹ và các đồng minh đứng trước mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm trung trên mặt đất, Washington có thể tiến hành hoạt động quân sự để tự bảo vệ mình và các đồng minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng cho biết, Washington có thể có các giải pháp nhằm ngăn chặn việc sử dụng các loại vũ khí này, trong đó, theo Bộ trưởng Mỹ, là “cuộc đối đầu quân sự cởi mở”.
Lựa chọn thứ ba, như Bộ trưởng Carter nói, là từ chối tuân thủ Hiệp ước INF.
“Hiệp ước INF là những điều khoản từ hai phía. Nếu Nga không tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản, Mỹ có thể đưa ra các biện pháp tự vệ”, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói.
Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn được Liên Xô trước đây và Mỹ ký năm 1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.
Nội dung chính của văn kiện này cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500-5.500 km phóng từ mặt đất.