Chiến đấu cơ Trung Quốc có thể 'rụng như sung'

Chiếc chiến đấu cơ đâm xuống nhà máy may ở Thái Châu, gây ra đám cháy lớn. Ảnh: Weibo
Chiếc chiến đấu cơ đâm xuống nhà máy may ở Thái Châu, gây ra đám cháy lớn. Ảnh: Weibo
Trong quá trình vươn lên cạnh tranh với phương Tây, không quân Trung Quốc sẽ phải trả những cái giá rất đắt về khí tài và cả con người.

Ngày 12/5, đại tá Lương Dương, phát ngôn viên hải quân Trung Quốc (PLAN) xác nhận một chiến đấu cơ thuộc biên chế Hạm đội Đông Hải của nước này đã đâm vào một nhà máy may khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay đêm tại thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang hôm thứ tư, theo SCMP.

Bà Lương cho hay phi công đã kịp thời nhảy dù thoát ra ngoài trước khi máy bay rơi, và không có ai bị thương trong vụ tai nạn. PLAN tuyên bố đang điều tra nguyên nhân vụ việc, nhưng không tiết lộ phiên bản của chiếc chiến đấu cơ gặp nạn.

Những năm gần đây, các vụ rơi chiến đấu cơ không còn là điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, một chiến đấu cơ J-10 đâm xuống đất khi huấn luyện bay đêm ở gần thành phố Thái Châu. Trước đó vài tháng, một chiếc J-10 khác rơi ở Thẩm Dương, và báo chí Trung Quốc cho rằng động cơ máy bay nhập khẩu của Nga là nguyên nhân khiến chiếc tiêm kích gặp nạn.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, hải quân và không quân Trung Quốc trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn phải chứng kiến nhiều chiến đấu cơ của nước này "rụng như sung", khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang gắng sức tăng cường huấn luyện để cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Chuyên gia phân tích hải quân Lý Kiệt ở Bắc Kinh cho rằng những khó khăn trong việc bay đêm và điều kiện thời tiết xấu có thể là nguyên nhân chính trong vụ tiêm kích rơi ở Thái Châu.

"Quân đội Trung Quốc đang tăng cường các cuộc diễn tập không quân trên biển Hoa Đông, với trọng tâm huấn luyện tập trung vào các chuyến bay trong mọi điều kiện thời tiết bám sát điều kiện chiến đấu", Lý nói.

Theo thống kê, trong ba năm qua, đã có ít nhất 4 chiếc tiêm kích Trung Quốc bị rơi ở tỉnh Chiết Giang, tất cả đều đang tham gia vào các cuộc bay huấn luyện ban đêm.

PLAN đã tăng cường hoạt động huấn luyện bay đêm trong mọi điều kiện thời tiết cho phi công quân sự nước này kể từ khi Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 11 năm 2013, Lý cho biết.

ADIZ này bao trùm cả nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện do Nhật Bản kiểm soát và là tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với Tokyo trên biển Hoa Đông. Hơn một nửa ADIZ do Trung Quốc lập ra trên vùng biển này chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản.

"Tỉnh Chiết Giang là tuyến đầu của ADIZ trên biển Hoa Đông, thế nên Trung Quốc cần rất nhiều chiến đấu cơ sẵn sàng cất cánh để ngăn chặn và xua đuổi máy bay lạ của nước ngoài. Đó là lý do tại sao nhiều vụ tai nạn máy bay quân sự lại diễn ra ở tỉnh này như vậy", chuyên gia này giải thích.

Chiến đấu cơ Trung Quốc có thể 'rụng như sung' ảnh 1

ADIZ Trung Quốc chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Đồ họa: SCMP

Quan sát viên quân sự Antony Wong Dong đến từ Ma Cao thì cho rằng các chuyến bay huấn luyện tăng cường của không quân Trung Quốc trên biển Hoa Đông có liên quan chặt chẽ đến lễ nhậm chức tới đây của tân lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, và đây là lý do hải quân Trung Quốc không tiết lộ loại máy bay gặp nạn.

"Một nhiệm vụ chính trị then chốt của Hạm đội Đông Hải là bảo vệ an ninh ở eo biển Đài Loan. Vụ rơi máy bay này có thể khiến Bắc Kinh bị mất mặt, thế nên hải quân nước này đã che giấu phiên bản của chiếc chiến đấu cơ gặp nạn", Wong nói.

Trả giá bằng tai nạn

Wong cho rằng thời gian tới, các chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gặp tai nạn tương tự, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình vừa ra lệnh cho quân đội nước này tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và học tập theo mô hình quân đội các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc thời gian gần đây đang thực hiện một cuộc cải tổ lớn đối với quân đội, giảm bớt ưu tiên cho lục quân, tăng cường lực lượng và trang bị cho hải quân, không quân nhằm phát huy sức mạnh ra bên ngoài.

Hải quân và không quân Trung Quốc đã đầu tư nhiều tiền của để mua sắm, chế tạo các loại máy bay mới để có thể cạnh tranh với các đối thủ phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát quân sự nhận định các máy bay chiến đấu của Trung Quốc chủ yếu vẫn là "hàng nhái", các công nghệ hiện đại, đặc biệt là động cơ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của phương Tây.

Trong khi đó, phi công Trung Quốc chưa trải qua thực chiến như phi công Mỹ, mới bắt đầu làm quen với các trang thiết bị hiện đại, chưa thuần thục với các sứ mệnh bay đêm trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, dễ dẫn đến sai sót trong quá trình thao tác, các chuyên gia phân tích quân sự nhận định.

"Đến quân đội Mỹ có các phi công quân sự dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới vẫn thường gặp tai nạn trong quá trình huấn luyện. Càng huấn luyện, thực hành nhiều thì khả năng gặp sự cố, tai nạn càng cao, nhưng chúng lại tạo điều kiện cho phi công rút được những bài học thực tiễn", Wong nói.

"Những năm gần đây, phi công PLA đã ngày càng trở nên thuần thục hơn, thể hiện trong việc trong nhiều vụ tai nạn, họ đã xử lý tốt để giảm thiểu thương vong", chuyên gia này nhận định.

Trong hai vụ rơi chiến đấu cơ gần đây nhất ở Thái Châu, các phi công đều có thể nhảy dù an toàn, và không dân thường nào trên mặt đất thiệt mạng. Ông Lý cho rằng các phi công Trung Quốc đều đã được huấn luyện để đưa máy bay ra xa khu dân cư trong trường hợp xảy ra sự cố.

Chiến đấu cơ Trung Quốc có thể 'rụng như sung' ảnh 2 Tiêm kích J-10 của không quân Trung Quốc. Ảnh: SinoDefence
Việc Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông, đưa các chiến đấu cơ, máy bay trinh sát hoạt động xa hơn trên vùng biển vốn nổi tiếng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt này, cũng là một yếu tố có thể khiến PLAN hứng chịu nhiều thiệt hại về người và vũ khí hơn.

Theo Lý Kiệt, các phi công quân sự Trung Quốc khi hoạt động trên Biển Đông có cơ hội sống sót cao hơn, bởi họ có thể tìm cách hạ cánh trên ba đường băng dài mà nước này vừa xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Nhưng với các phi công bay trên biển Hoa Đông, họ không còn lựa chọn nào khác khi máy bay gặp sự cố. Cách duy nhất là tìm đường lết về căn cứ, hoặc tìm một khu vực ít dân cư trong trường hợp máy bay không thể hạ cánh", Lý nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.