Hé lộ chiến lược UAV của Nga

Hé lộ chiến lược UAV của Nga
Vụ rò rỉ thông tin máy bay không người lái của Nga mới đây phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt nhằm chế tạo những “cỗ máy giết chóc” này.

Hé lộ chiến lược UAV của Nga

> Nga phát triển UAV tấn công
> Nga mua máy bay không người lái của Israel

Vụ rò rỉ thông tin máy bay không người lái của Nga mới đây phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt nhằm chế tạo những “cỗ máy giết chóc” này.

Một quan chức CH Tatarstan trình bày về chiếc UAV mới với Bộ trưởng Sergei Shoigu (thứ hai từ trái sang). Ảnh: FlightGlobal
Một quan chức CH Tatarstan trình bày về chiếc UAV mới với Bộ trưởng Sergei Shoigu (thứ hai từ trái sang). Ảnh: FlightGlobal.

Hiện nay, Moscow bị cho là đang cố gắng gỡ bỏ mọi hình ảnh liên quan đến dự án máy bay tuyệt mật mà một website chính phủ đã vô tình tiết lộ.

Vô tình khoe hàng

Theo chuyên trang hàng không FlightGlobal, một website của chính quyền CH Tatarstan đã đăng tải những hình ảnh hiếm hoi về một máy bay không người lái (UAV) vũ trang có khả năng tấn công. Ngay sau đó, những hình ảnh này “bốc hơi” khỏi website nhưng một số trang tin của Nga như tờ Vedomosti và FlightGlobal đã nhanh chóng chộp được.

Hình ảnh của dòng UAV trên, được cho là có tên Altius, xuất hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Tatarstan vào ngày 5-2. Dựa theo các bức ảnh, Altius có nhiều điểm tương đồng với dòng Reaper đang được quân đội Anh - Mỹ sử dụng. Nó có màu xám với cặp cánh cao, dáng thuôn dài.

Một hình ảnh được chụp từ phía sau mô hình cho thấy UAV này chạy bằng 2 động cơ tua bin phản lực cánh quạt. Bộ phận nhiên liệu ở đằng sau và đuôi hình chữ V. Trang mạng Sokol sau đó cũng đăng tải hình ảnh đồ họa về thiết kế của dòng máy bay trên. Tuy nhiên, nội dung này không cung cấp thông tin về cảm biến hoặc thiết bị viễn thông sẽ được lắp đặt trên máy bay.

Ngoài ra, FlightGlobal loan tin 2 nhà thầu quân sự Sokol tại Tatarstan và Tranzas ở St Petersburg đã giành được hợp đồng trị giá 1 tỉ rúp (khoảng 33 triệu USD) vào năm 2011 để phát triển 2 dòng UAV. Dòng thứ nhất là Altius và dòng thứ hai nhỏ hơn có tên gọi “Inokhodyets”.

Trước đó, website của ARMS-TASS, một đại diện cho Hãng Tranzas, thông báo các dự án trên được thiết kế để cạnh tranh với những dòng UAV ngoại. Chúng mang theo những đặc điểm như kích thước lớn và sức bền cao, có khả năng thực hiện “mọi nhiệm vụ, bao gồm tấn công”. Theo trang FlightGlobal, các UAV mới của Nga sẽ được bay thử lần đầu tiên vào năm 2014 và trải qua các cuộc thử nghiệm chi tiết vào năm 2015.

Chạy đua tăng cường UAV

Nỗ lực phát triển UAV mới của Nga đã được triển khai khi Mỹ và châu Âu liên tục đầu tư mạnh vào một thế hệ máy bay không người lái tàng hình. Theo báo điện tử Slate, quân đội Anh đang lên kế hoạch thử nghiệm dòng UAV tàng hình tên gọi Taranis có khả năng đạt tốc độ siêu thanh và sở hữu thế hệ cảm biến hiện đại. Nhờ đó, nó có thể phát hiện mục tiêu ở tầm lục địa.

Tương tự, Pháp, Ý, Thụy Điển và các nước khác đang tập trung vào dự án liên châu Âu nhằm phát triển UAV tàng hình tên Neuron. Thông tin về chiếc UAV X-47B của Mỹ cũng đang ngày càng rõ ràng hơn. Thời gian qua, Lầu Năm Góc triển khai nhiều vụ thử bí mật đối với loại máy bay này.

Tại châu Á, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc từng dự định dùng UAV do nước này tự sản xuất để tiêu diệt mục tiêu từ xa. Chẳng hạn trùm ma túy khu Tam giác vàng Naw Kham, đứng đầu băng nhóm sát hại 13 thuyền viên Trung Quốc trên sông Mê Kông hồi năm 2011, cũng lọt vào tầm ngắm. Cũng tại châu Á, Iran hồi năm ngoái công bố UAV quân sự mới.

Ngoài ra, UAE vừa thông báo thỏa thuận trị giá 200 triệu USD để mua một số lượng chưa tiết lộ các UAV Predator từ nhà thầu quân sự Mỹ General Atomics. Lâu nay, chính quyền Mỹ đặt ra một số điều khoản để hạn chế xuất công nghệ máy bay không người lái.

Thế nhưng, Reuters dẫn thông tin từ General Atomics cho biết hãng này đang hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận để bán UAV cho nhiều nước hơn, đặc biệt ở thị trường Trung Đông. “Chúng tôi đang đề cập đến toàn bộ các quốc gia vùng Vịnh”, theo một đại diện của General Atomics.

Với những diễn biến vừa nêu, số lượng các nước sở hữu UAV vũ trang sẽ sớm tăng lên rất nhiều. Lâu nay, chỉ Mỹ và Israel chính thức chế tạo thành công loại này, xuất khẩu giới hạn cho một số đồng minh thân cận. Trong khi đó, việc sử dụng UAV để “tiêu diệt có chủ đích” là đề tài tranh cãi quyết liệt trong dư luận.

Nhiều tổ chức thế giới không ngần ngại gọi chúng là “các cỗ máy giết chóc”. Tuy nhiên, dường như đó chẳng phải là mối bận tâm của các nhà thầu quân sự. Dự kiến, chi tiêu cho UAV sẽ tăng gấp đôi trong thập niên tới, với doanh thu toàn cầu ước tính sẽ vượt 89 tỉ USD.

Theo Thụy Miên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG