> Trung Quốc tăng cường tàu khu trục trên Biển Đông
> Thế giới dậy sóng cùng tranh chấp chủ quyền Biển Đông
Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin từ ngày 22 đến 26-12-2012, Trung Quốc đã liên tiếp đưa hai tàu chiến loại 054A vào các hạm đội hải quân của mình.
Tàu chiến Lâm Nghi 547 được phiên chế vào hạm đội Bắc Hải ngày 22-12-2012. Tàu chiến Liễu Châu 573 chính thức phiên chế vào hạm đội Nam Hải ngày 26-12-2012. Tàu này được đóng tại xưởng Thượng Hải Hỗ Đông thuộc Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc và chính thức hạ thủy ngày 10-12-2011.
Các tàu chiến thuộc loại 054A không phải là thiết kế mới nhất, nhưng tàu Liễu Châu được đánh giá là một trong những tàu chiến được trang bị công nghệ tiên tiến hàng đầu của Trung Quốc với một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 50km. Nó còn có khả năng chống tàu ngầm và tránh sóng rađa.
Thêm tàu chiến, thêm căng thẳng
Theo mạng tin quốc phòng Sino Defence, hải quân Trung Quốc hiện sở hữu hai tàu chiến loại 054 và 13 tàu chiến 054A.
Trong 15 tàu chiến này có sáu tàu được bố trí ở biển Đông, sáu tàu cho biển Hoa Đông và ba tàu cho biển Bắc Hải.
Trung Quốc đang tiếp tục đóng thêm nhiều tàu chiến loại 054A để tiếp tục thực hiện chiến dịch mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Với việc Trung Quốc phiên chế tàu Liễu Châu vào hạm đội Nam Hải đóng ở Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, giới phân tích cho rằng nhiệm vụ chính của con tàu đa năng được trang bị vũ khí hiện đại này chính là nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông.
Báo Philippines Star ngày 1-1 đưa tin một tàu chiến Trung Quốc đã liên tiếp quấy rối bốn tàu Philippines khi các tàu này chở hàng tiếp tế từ Palawan đến đảo Pag-Asa hôm 27-12-2012.
“Chúng tôi nghĩ tàu chiến Trung Quốc đang trên đường quay về đảo Hải Nam. Thế nhưng nó lại đâm thẳng về phía chúng tôi, khiến nhiều hành khách trên đoàn tàu hoảng loạn” - Philippines Star dẫn lời một quan chức địa phương Philippines có mặt trên đoàn tàu tố cáo.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên tàu chiến Trung Quốc tự “làm luật” trên biển Đông.
Tháng 9-2011, báo chí Ấn Độ đưa tin tàu hải quân Trung Quốc còn chặn đường tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat trên biển Đông khi con tàu này đang trên đường đến thăm VN.
Tháng 7-2012, một tàu hải quân Trung Quốc, như hải quân nước này đã xác nhận, bị mắc cạn ở bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Theo báo chí Philippines, con tàu này từng nhiều lần quấy rối và đuổi ngư dân Philippines ở khu vực gần bãi Trăng Khuyết.
Điều đó cho thấy Trung Quốc không chỉ sử dụng tàu tuần tra dân sự mà cả tàu quân sự để thực thi thứ “ngoại giao tàu chiến” đòi “chủ quyền” trên biển Đông.
Tiếp tục có thêm những động thái gây căng thẳng trên biển Đông mới đây, như báo mạng Nam Hải và Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc còn đưa cả tàu thăm dò tài nguyên hải sản đến khu vực gần quần đảo Trường Sa của VN.
Đầu tháng 1-2013, Trung Quốc còn lắp đặt hệ thống mạng 3G phủ sóng trên toàn bộ đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Mạng 3G của Tập đoàn viễn thông China Telecom này đã chính thức đi vào hoạt động tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Tân Hoa xã còn ngang nhiên tuyên bố trong nửa đầu năm 2013, Trung Quốc sẽ tiếp tục dựng thêm bảy trạm phát 3G tại các đảo khác thuộc Trường Sa.
Cần phản ứng mạnh mẽ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, cho biết đây đều là những hành động vi phạm chủ quyền của VN. Đặc biệt việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” là những hành động xâm lược về mặt pháp lý mà chúng ta phải kiên quyết bác bỏ.
Ông cho biết Nhà nước ta cũng đã có nhiều động thái tích cực để chống lại sự khiêu khích của Trung Quốc. Nhưng về mặt đối nội, Nhà nước phải có trách nhiệm thông tin cho người dân về những diễn biến trên biển Đông.
Nhà nước có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để nói rõ cho dân chúng biết các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông. Việc làm này không phải nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc mà là tôn trọng quyền được thông tin của người dân.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thông báo cho ASEAN và thế giới biết về những hành động của Trung Quốc để tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế.
Trong quan hệ song phương, VN cần gửi công hàm phản đối cho Trung Quốc khi nước này có những động thái xâm hại đến chủ quyền của nước ta. Bởi việc xâm hại vào quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN đã đi ngược lại với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN và Trung Quốc”.
Ngoài ra, chúng ta còn phải thông qua kênh song phương và đa phương để tổ chức các diễn đàn quốc tế về vấn đề biển Đông.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc mà là một trong những con đường giao thông vận tải quan trọng bậc nhất trên thế giới.
Việc Trung Quốc độc chiếm biển Đông là xâm hại đến quyền lợi của tất cả mọi nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Theo Hoàng Ngọc – Sơn Hà
Tuổi Trẻ
Trung Quốc liên tục tập trận Trong những ngày đầu năm 2013, quân đội Trung Quốc liên tục tập trận phòng không và chống khủng bố ở Thẩm Dương, Tế Nam và một số vị trí ở biển Đông từ tháng 6-2012. Các binh lính của hạm đội Nam Hải đồn trú trái phép trên đảo Quang Hòa (Duncan) thuộc Hoàng Sa của VN đã được tàu chiến vận chuyển đến điểm tập trận từ sáng 2-1. Báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc cho biết chương trình tập trận phòng không là chủ yếu trong đợt tập trận này nhằm nâng cao khả năng và ý thức chiến đấu của quân đội trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển của Trung Quốc và các nước xung quanh đang ngày một leo thang căng thẳng. Lấy lý do đảo Quang Hòa là một trong các đảo chiến lược quan trọng nhất nằm gần cái gọi là “thành phố Tam Sa”, từ tháng 6-2012 Trung Quốc đã đưa ít nhất 6.000 quân cùng khí tài đến đồn trú ở khu vực đảo này. |