5 điểm yếu 'chết người' của quân đội Mỹ

Hải quân Mỹ dễ bị tên lửa của đối phương làm thương tổn.
Hải quân Mỹ dễ bị tên lửa của đối phương làm thương tổn.
TP - Quân đội Mỹ không còn là sức mạnh tuyệt đối và công nghệ quân sự Mỹ không còn độc nhất vô nhị như trước nữa - đó là nhận định của tờ báo Anh The Economist.

Những ưu thế quân sự của Mỹ đang tan biến ngay trước mắt trong khi Nga và Trung Quốc đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình với tốc độ chưa từng thấy. Để minh họa, tờ The Economist dẫn ra 5 điểm yếu “chết người” của quân đội Mỹ.

Một là, các chiến hạm của Hải quân Mỹ từ nay dễ bị tên lửa của đối phương phóng từ trên bờ làm thương tổn, chẳng hạn, loại tên lửa Iskander của Nga.

Hai là, Mỹ ngày càng khó yểm trợ và bảo vệ các căn cứ không quân của mình tại các khu vực trên thế giới khỏi bị tấn công bất ngờ.

Ba là, không quân Mỹ ngày càng khó phát hiện các bệ phóng tên lửa di động (ý muốn nói đến các loại vũ khí mới của Nga).

Bốn là, các loại vũ khí chống tên lửa hiện đại có thể bắn rơi máy bay Mỹ từ khoảng cách rất xa (chẳng hạn, loại tên lửa phòng không S-400 của Nga có tầm sát thương 400 km).

Năm là, các vệ tinh do thám Mỹ không còn bất khả xâm phạm như trước.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng có những nhận định tương tự. Theo ý kiến của Chuck Hagel, sự thống trị của Mỹ trên biển, trên không và trong vũ trụ, kể cả trong không gian ảo, không còn là chuyện đương nhiên nữa. Ông kêu gọi nước Mỹ khẩn trương phát triển các loại công nghệ quân sự thế hệ mới, nếu không, sức mạnh của Mỹ có thể bị thách thức.

Theo nhận định của giới phân tích, việc báo chí và giới quân sự phương Tây đưa ra những ý kiến mang giọng điệu cảnh báo như vậy là điều dễ hiểu. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng như tình hình căng thẳng tại nhiều khu vực trên thế giới đã tạo cớ cho tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ yêu cầu chính phủ Mỹ rót thêm tiền vào việc nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí mới. 5 điểm yếu “chết người” của quân đội Mỹ mà tờ The Economist vạch ra chính là nhằm định hướng chi tiêu cho những khoản tiền khổng lồ mà quân đội Mỹ có thể nhận được trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của giới phân tích, một bộ máy chiến tranh được trang bị cực kỳ hiện đại và được huấn luyện hết sức bài bản chưa chắc đã giành được chiến thắng. Điều này đã được chứng minh trong cuộc chiến Việt Nam trước kia cũng như trong các cuộc chiến Iraq và Afghanistan gần đây.

Trong những cuộc chiến đó, Mỹ đã không thể tự nhận mình là người chiến thắng. Bởi lẽ, chìa khóa chiến thắng không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh vật chất mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trước hết là tính chất chính nghĩa của cuộc chiến.

Theo Theo Utro.ru
MỚI - NÓNG