“Nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thật đơn giản, đừng gây nhiều phiền phức, áp lực cho học sinh” - Ông Thạch nói.
Thưa ông, năm nay Bộ GD&ĐT vừa đưa ra các phương án về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sẽ giảm số môn thi, miễn thi cho khoảng 20% học sinh, dư luận cho rằng bộ này vẫn chưa đổi mới một cách căn bản toàn diện, ông nghĩ sao?
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp là yêu cầu rất đúng, có điều là phải đổi mới sớm và đổi mới như thế nào cho phù hợp. Vừa rồi Bộ có đưa 2 phương án thi tốt nghiệp: Phương án 1 chỉ thi 4 môn; phương án 2 thi 5 môn, trong đó có ngoại ngữ. Phương án 1 được dư luận đồng tình nhiều hơn, chúng tôi cũng ủng hộ phương án 1, tức là chỉ thi 4 môn (văn, toán và 2 môn tự chọn trong 5 môn là văn, sử, địa, vật lý, hóa học). Ngoại ngữ là môn khuyến khích, em nào học tốt thì có thể đăng ký thi để được cộng thêm điểm.
Ngoài ra có thể xét miễn thi một số trường hợp cho những em có kết quả học tập cao. Tỷ lệ xét khống chế là không quá 20% tổng số thí sinh. Đây là tỷ lệ cũng rất phù hợp, vì điều kiện xét phải là em có năng lực, học giỏi thực sự, chứ cũng không thể miễn thi nhiều hơn theo kiểu đại trà.
Mặc dù kỳ thi năm nay sẽ có những đổi mới như vậy, nhưng dư luận vẫn lo ngại nếu còn tổ chức thi tốt nghiệp thì còn bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục, thưa ông?
Thực ra không thể nào đổi mới quá nhanh, chẳng hạn như bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp được. Việc đổi mới cũng cần thời gian chuẩn bị, có lộ trình thích hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng tới đây có thể phân cấp mạnh hơn việc tổ chức kỳ thi như thế nào để địa phương thực hiện, theo đúng tình hình, điều kiện của địa phương đó, để các địa phương chủ động hơn. Ý tưởng về bỏ kỳ thi tốt nghiệp cũng phải cân nhắc, tính toán thêm.
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đã giảm dần số môn thi; để cho các em được lựa chọn một số môn thi theo khả năng của mình, cũng là bước đổi mới thận trọng, thiết thực.
Cảm ơn ông!
Việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học chưa thể làm được. Đây là 2 kỳ thi khác nhau, có mục đích, tiêu chí rất khác nhau. Thi tốt nghiệp nhằm đánh giá kết quả học phổ thông của các em học sinh. Còn thi đại học là thi để chọn lựa nguồn nhân lực chất lượng cao để đào tạo cho đất nước, theo tiêu chí cụ thể của các trường đại học. Cả hai kỳ thi này vẫn cần thiết.