Trên quan điểm cá nhân, ông Phạm Hiệp cho rằng, ông không chọn hình thức homeschooling cho con mình vì vẫn còn tin tưởng vào hệ thống giáo dục công lập, ngoài công lập ở Việt nam cũng như đội ngũ các nhà giáo.
Tuy vậy, xét tổng thể tình hình thực tế ở Việt Nam, có một số rào cản nhất định mà theo đó phụ huynh quan tâm đến homeschooling cần rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định chính thức.
“Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận hay cho phép mô hình học tập tại nhà. Khi giáo dục tại nhà chưa được công nhận, chưa tương đương với giáo dục chính thức thì hình thức này vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề”- ông Hiệp cho hay.
Vì thế, theo ông Hiệp, những người ủng hộ homeschooling cần tập hợp lại tổ chức vận động chính sách, nghiên cứu thực thi homeschooling để nhà nước công nhận thay vì cho con theo học hình thức này.
Cũng theo ông Hiệp, homeschooling chưa được công nhận ở Việt Nam cũng có lí do của nó. Homeschooling không là hiện tượng phổ biến và tỉ lệ này không nhiều ở Việt Nam. Cũng có nhiều nước trên thế giới cũng không công nhận mô hình này.
“Việc ra chính sách công nhận homeschooling cũng càng cần phải được xem xét một cách thận trọng vì thực tế vẫn chưa có một chương trình nào theo mô hình homeschooling được thiết kế riêng cho học sinh Việt Nam và được đánh giá, kiểm định”- ông Hiệp cho hay.
Ngoài ra, cũng theo ông Hiệp, không thể bê nguyên một chương trình homeschooling nào của nước ngoài về Việt Nam bởi nó mang đặc thù quốc gia. Như vậy, không có gì đảm bảo sẽ hoàn toàn phù hợp với người Việt và có thể thay thế được chương trình đào tạo bằng tiếng Việt.
Việc phụ huynh ở TPHCM cho hai con chọn homeschooling là một trong những trường hợp thành công đặc biệt:”nhưng không có gì đảm bảo tất cả những trường hợp chọn homeschooling sẽ thành công hết sau này”- ông Hiệp cho hay.