Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Ngổn ngang toan tính
> Kinh tế, ngân hàng giảm nhiệt; kỹ thuật, sư phạm lên ngôi
> Hồ sơ đăng ký dự thi giảm bất thường
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay theo Cục Khảo thí, Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT, giảm 6% (gần 100.000 bộ) so với năm 2012. Tín hiệu cho thấy nhiều nỗi lo có thật tiếp tục đeo bám các trường và học sinh.
Trường lo thiếu nguồn tuyển, trò lo học cao thất nghiệp và Bộ chưa hết lo chất lượng nguồn tuyển. Còn xã hội tiếp tục lo chất lượng nguồn nhân lực chưa có dấu hiệu cải thiện.
Lựa chọn ngành học phù hợp là một trong những quyết định quan trọng. |
Thế nào là biết chọn ngành phù hợp?
Trong hơn 1,7 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐKDT ĐH, CĐ năm nay khối ngành tài chính, ngân hàng giảm 10,5% so với năm ngoái có phải tín hiệu mừng? Có phải do hướng nghiệp tốt nên học sinh đã biết lựa chọn ngành nghề phù hợp? Câu trả lời là chưa chắc và chớ vội mừng.
Thực tế nào đã có ai chính thức điều tra thực trạng và dự báo nhu cầu nhân lực, công bố bức tranh tổng thể sinh viên ngành nào "ế” nhiều nhất, thiếu nhiều nhất mà vội khẳng định học sinh đã không theo vết xe đổ - chọn ngành nghề theo phong trào như những năm trước đây.
Song bù lại khoảng trống đáng sợ về số liệu nguồn nhân lực, đáng mừng là học sinh có được nhiều thông tin cảnh báo về nạn thất nghiệp, chất lượng đào tạo yếu kém ở nhiều trường. Rằng với khối ĐH công mà Bộ GD&ĐT phấn đấu năm học 2014- 2015 mới chấm dứt được tình trạng đại học dạy đại học.
Cũng phải 2 năm nữa mới hy vọng các trường ĐH chấm dứt học chay – sẽ có đủ giáo trình cho các môn học. Chả có mấy trường chủ động cùng DN gắn đào tạo với thực tiễn, hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp… Chất lượng đào tạo ĐH cả công và tư đều đang "đầy vấn đề” mới chính là lý do bằng ĐH mất giá.
Còn phải kể đến thông tin học sinh không thể không nắm chắc trước ngưỡng cửa ĐH là mức học phí nhiều trường không ngừng tăng. Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập giãn thời gian điều chỉnh học phí 2013 – 2014, yêu cầu học phí thu định kỳ hàng tháng chứ không ép học sinh, sinh viên đóng học phí 1 lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học, nhất là vào đầu năm học mới…
Yêu cầu gì thì tổng thu cũng không thay đổi. Học phí ĐH công từ 4 đến 20 triệu/năm. ĐH ngoài công lập dao động từ 6 đến trên 100 triệu đồng/năm, không kể trường tây thu khoảng 150 triệu đồng/năm… Bài toán học phí không dễ giải với nhiều gia đình dù được vay ngân hàng chính sách, bởi học xong thất nghiệp lấy đâu trả?
Bằng cấp ĐH, CĐ đã lộ dần giá trị sử dụng không cao, hiệu quả kinh tế không rõ. Chưa kể thí sinh phải chịu những định kiến chồng định kiến, tốt nghiệp chất lượng cao vẫn bị "ném đá” nếu bằng cấp không phải của ĐH công lập. Chừng nào Bộ GD&ĐT minh bạch hàng năm kết quả kiểm định của từng trường, công khai mức thu chi của các trường sau mỗi đợt thanh kiểm tra tài chính, công khai số sinh viên thất nghiệp của mỗi trường…, khi đó mới có thể tin học sinh biết chọn ngành phù hợp.
Lửng lơ phương án trường tuyển sinh riêng
Một số trường ĐH tới đây có được tuyển sinh riêng hay không? vấn đề đang "treo” lơ lửng, chỉ vì một trong số các tiêu chí các trường căn cứ xét tuyển là dựa trên kết quả học và thi tốt nghiệp THPT.
Các chuyên gia nhìn nhận kết quả học, thi ở phổ thông đều chưa đáng tin cậy. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS-TS Bùi Văn Ga cũng cho rằng, tốt nghiệp THPT là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện tối thiểu đủ để học sinh có thể học tập được ở bậc ĐH, CĐ.
Việc Bộ nói lấy chất lượng đào tạo ĐH, CĐ làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu nhưng gián tiếp phủ nhận kết quả học tập phổ thông, khiến dư luận có quyền nghi ngờ chất lượng toàn bộ hệ thống, không chỉ băn khoăn chất lượng đào tạo của ĐH ngoài công lập.
Bệnh thành tích với điểm thi ảo lâu nay xã hội đã báo động, thi tốt nghiệp là đỗ, đang chính thức gây họa cho một số trường ĐH khi cần sử dụng những kết quả này như một tiêu chí xét tuyển, bớt đi một kỳ thi ĐH tốn kém.
Đành rằng một số trường ĐH ngoài công lập đang gặp khó nhưng thực ra, cả nền giáo dục đang lâm vào ngõ cụt. Chất lượng phổ thông yếu kém và chất lượng ĐH cũng không hơn. Không có cơ chế sàng lọc nghiêm túc. Ai phải chịu trách nhiệm? Giải pháp nào tháo gỡ trong thời gian tới? Bao năm rồi dư luận đã lên tiếng, Bộ chủ quản không vực nổi chất lượng lên, không cải tiến được các kỳ thi tốn kém toàn diện. Vẫn chỉ ngợi ca "ba chung” có tính độc quyền. Cứ đà này, liệu bao giờ các trường ĐH mới tìm ra phương án tuyển sinh riêng hợp lý, tin cậy, hài lòng Bộ và thuyết phục xã hội?
Lãnh đạo Bộ cho rằng, bao giờ học sinh ở bậc phổ thông được sàng lọc tốt, được tuyển chọn ngay từ sau THCS, công tác thi cử, kiểm tra đánh giá ở các trường nghiêm túc thì mới hoàn toàn có thể dùng kết quả phổ thông xét tuyển vào ĐH. Bao giờ là tới bao giờ? Cái mốc 2015 sẽ chấm dứt thi "ba chung” được Bộ đặt ra, song chưa thấy có sự chuẩn bị gì cho sự thay đổi đó. Toan tính vẫn ngổn ngang.
Để chia sẻ và giải tỏa áp lực thi cử cho các bậc phụ huynh và học sinh trước các kỳ thi năm nay, British University Vietnam tổ chức hội thảo "Giúp con vào đại học không áp lực” vào sáng 18/5, tại 193B Bà Triệu (Hà Nội). Ngày 19/5, thanh niên Thủ đô sẽ có cơ hội tiếp cận gần 4 nghìn chỉ tiêu việc làm tại "Ngày hội việc làm” – ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) với sự tham gia của hơn 100 đơn vị, trong đó có 73 DN tuyển dụng lao động. |
Theo Thanh Như
Đại Đoàn Kết