Cú sốc với gần trăm nhà khoa học?

Cú sốc với gần trăm nhà khoa học?
TP - Gần đây, các giảng viên, các nhà khoa học có thâm niên tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBK HN) xôn xao về thông báo mới của nhà trường về tuổi tác của người hướng dẫn nghiên cứu sinh có học hàm giáo sư và phó giáo sư. Dư luận cho rằng, các thông báo mới này là mệnh lệnh hành chính, cản nhà khoa học có thâm niên…

> Đầu vào tiến sĩ: khó vì...ngoại ngữ

Ngày 29-6-2012, ĐHBK HN gửi thông báo số 2038 tới các viện khi xét hồ sơ nghiên cứu sinh (NCS) của thí sinh lưu ý một số điều: “Ưu tiên cán bộ đang chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học nhận hướng dẫn NCS; Người hướng dẫn là một cán bộ đương chức của ĐHBK HN có tuổi không quá 57 đối với người hướng dẫn có học vị TS, TSKH, không quá 62 tuổi đối với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS”.

Tiếp đến ngày 6-9-2012, ĐHBK HN lại gửi thêm một thông báo liên quan việc này và nêu rõ: “Một là: Nếu NCS chỉ có một người hướng dẫn hiện tại không là cán bộ đương chức của ĐHBK HN thì phải bổ sung thêm một người hướng dẫn mới là cán bộ đương chức của trường; Hai là: Nếu NCS có hai người hướng dẫn nhưng cả hai hiện tại không phải là cán bộ đương chức của ĐHBK HN thì phải bổ sung thêm một người mới là cán bộ đương chức của trường, thay thế một trong hai người hướng dẫn cũ; Ba là: Người hướng dẫn 1 của NCS phải là một cán bộ đương chức của ĐHBK HN có tuổi không quá 57 đối với người hướng dẫn có học vị TS,TSKH; không quá 62 tuổi đối với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS”.

Một số nhà khoa học, giảng viên lâu năm cho rằng: Nhiều GS đã nghỉ hưu là những nhà khoa học đầu ngành đã và đang hướng dẫn cho các NCS do chính họ đề xuất và hướng dẫn từ đầu sẽ phải ngừng công việc này theo quy định của hai thông báo kể trên. Có ý kiến còn cho rằng, đây là cú “sốc” thực sự đối với không dưới 100 nhà khoa học!

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐHBK HN nói: Về NCS, khi đối chiếu với quy chế mới của Bộ GD&ĐT, đích thân hiệu trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm đã đi kiểm tra đào tạo NCS, Thạc sĩ khoa học (ThS KH) để chấn chỉnh quản lý.

Ông Giảng cho biết, có một tình trạng là, đa số các trường hợp NCS tốt nhưng có những NCS do các thầy ký hợp đồng hướng dẫn thì NCS không vào trường, thầy cũng không vào trường. NCS có khi một tháng không rẽ qua trường một lần.

Thầy không quản lý được, bộ môn không quản lý được; thậm chí, đề tài cũng không quản lý được khiến nhà trường phải ký quyết định đình chỉ đào tạo.

Giải thích thêm về quy định mới trong hai thông báo gây phản ứng của nhiều người, ông Nguyễn Trọng Giảng nói: Nếu GS nữ 57 tuổi, nam 62 tuổi vẫn tiếp tục hướng dẫn, sau ba năm các thầy cô về hưu hoặc có vấn đề gì liên quan đến sức khỏe thì NCS không bị bơ vơ.

Việc bố trí cán bộ đang là biên chế và trẻ vào cùng cặp hướng dẫn với các thầy giáo có thâm niên của ĐHBK HN nhằm 2 mục tiêu: Các thầy kèm cặp các cán bộ trẻ; hoặc trường hợp có việc gì đột xuất thì NCS có thể tiếp tục hoàn thành đề tài mà không ảnh hưởng tới chất lượng NCS.

Ông Giảng cho biết: đã từng có NCS phải bỏ dở đề tài đang nghiên cứu và thay đổi đề tài, vì chuyển sang hướng dẫn mới không cùng lĩnh vực.

Quan điểm trên vấp phải sự phản ứng cho rằng, lãnh đạo trường đã đẩy các thầy giáo già đi để thay bằng một người khác “trình độ còn non”, không thể hướng dẫn được và cũng là sự “thải hồi” các thầy giáo già.

Trong khi GS.TSKH Lê Hùng Sơn cho hai văn bản hướng dẫn NCS vừa qua của Trường ĐH BKHN là mệnh lệnh, ảnh hưởng những người tâm huyết nhưng không còn đương chức thì lãnh đạo nhà trường khẳng định “thông báo nhằm định hướng và quản lí chặt công tác này”.

Sáng 31-10, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa HN cùng Viện Đào tạo sau ĐH đã có buổi làm việc với báo chí xung quanh trăn trở của GS.TSKH Lê Hùng Sơn về hướng dẫn NCS của trường “gây khó cho nhiều người thầy giàu kinh nghiệm và có tâm huyết nhưng không còn đương chức”. Cuộc họp không có sự tham gia của GS Sơn.

Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng khẳng định: “Những thầy cô đã hết tuổi công tác nhưng muốn gắn bó với trường đều được ký hợp đồng lao động. Trường luôn ủng hộ. Lúc này, họ có tư cách như cán bộ còn công tác trong trường, có quyền nhận và hướng dẫn NCS".

Về hai văn bản ký ngày 29-6-2012 và 6-9-2012, theo Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng: “Là thông báo nhằm định hướng và quản lí tốt công tác NCS”. 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.