Điều ước thứ 7 có ‘vấn đề’: VTV đã làm gì?

Thanh hát tặng vợ trên sân khấu Sao Mai điểm hẹn
Thanh hát tặng vợ trên sân khấu Sao Mai điểm hẹn
Thêm một sự cố xảy ra với VTV3, kênh truyền hình quốc gia Việt Nam. Vụ việc lần này gây tranh cãi và tổn thương sâu sắc bởi nó chất chứa bao tâm tư, tình cảm, cả những điều khó nói, lắt léo không chỉ của nhân vật mà còn của Đài truyền hình.

Trong vòng 4 ngày sau khi chương trình Điều ước thứ 7 số 2 năm 2015 được phát vào ngày 10/1 trên sóng truyền hình quốc gia VTV3, hàng triệu khán giả ở mọi miền đất nước đều truyền nhau câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của cô gái mù và anh chàng sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Hàng triệu trái tim đã cùng rung động bởi một tình yêu đáng ngưỡng mộ của đôi bạn trẻ trong thời buổi mà những giá trị tinh thần đang dần bị lấn át bởi kim tiền, danh vọng và nhiều điều trần trụi, thực dụng khác.

Tuy nhiên, đến ngày 15/1, thông tin chấn động xuất phát từ phản hồi của bạn đọc báo Vietnamnet đã trái ngược hoàn toàn. Theo đó, hoàn cảnh và nhân thân của chàng trai – người chồng của cô gái mù trong chương trình là hoàn toàn khác.

Nguyễn Nhật Thanh – tên thật Nguyễn Bá Thanh - chưa từng học, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia như trong chương trình đề cập, đáng buồn hơn anh đã và đang có một vợ, hai con trước khi đến với cô gái mù Nguyễn Như Đào.

Tình yêu có thật

Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng ngày 10/1/2015 đã kể lại chuyện tình của Thanh và Đào từ khi gặp gỡ, yêu nhau, sinh con đẻ cái và cùng nhau rong ruổi khắp các con đường quê để hát rong mưu sinh. Điểm nhấn sâu sắc nhất của Điều ước thứ 7 là ê - kíp thực hiện chương trình đã giúp vợ chồng trẻ Thanh – Đào biến ước mơ được hát trên sân khấu lớn, trước hàng ngàn khán giả thành sự thật.

Từ hoàn cảnh bất hạnh của Đào, mù lòa, sống nhờ lời ca tiếng hát và tâm tư của Thanh, người con trai dành tình yêu cho cô gái khuyến tật, chấp nhận từ bỏ tương lai tốt đẹp hơn để ngày ngày cùng vợ đi hát rong, nên khoảnh khắc Thanh bước lên sân khấu, hát tặng vợ ca khúc "Về đâu mái tóc người thương" khiến cả sân khấu Sao Mai điểm hẹn vỡ òa trong niềm xúc động. Không chỉ người vợ bé nhỏ của Thanh không kìm được nước mắt mà tất cả ban giám khảo, khán giả và cả ekip thực hiện chương trình đều bật khóc.

Khi MC Diệp Chi dẫn Đào lên sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội của khán phòng, nước mắt vòng quanh trên gương mặt Đào. Cô không nhìn thấy gì nhưng có thể cảm nhận sâu sắc tình yêu của chồng, biết rõ mình đang nhận được món quà gì và sự ủng hộ của tất cả mọi người. Dịu dàng đưa tay đỡ vợ lên sân khấu, chính Thanh cũng không kìm được cảm xúc.

Hoàn toàn bất ngờ trước tình huống của Điều ước thứ 7, các giám khảo Sao mai điểm hẹn ngày hôm đó, gồm có ca sĩ Thanh Lam, đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Huy Tuấn đã nói lên những lời chia sẻ, động viên và khen ngợi thật lòng nhất cho cặp đôi “hát rong” trên sân khấu.

Bất cứ ai xem đoạn clip dài này, dù với tâm thế như thế nào cũng sẽ nhìn nhận những tình cảm ấy, cảm xúc ấy là thật. 

Điều ước thứ 7 có ‘vấn đề’: VTV đã làm gì? ảnh 1

 Vợ chồng Thanh-Đào được chương trình tổ chức thu âm miễn phí

Chương trình có “lỗi” vẫn lên sóng

Vấn đề xảy ra khi phóng viên báo Vietnamnet nhận hồi âm từ độc giả và lên đường tìm kiếm sự thật về chàng trai Nguyễn Nhật Thanh. Cho đến sáng nay (16/1), một số thông tin cốt lõi đã được làm rõ. Trong đó, đáng kể nhất là Thanh thực sự đã có gia đình ở quê nhà Thanh Hóa và không hề học Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Sự thật này không chỉ Đào, Thanh mà cả ekip thực hiện chương trình Điều ước thứ 7 đều đã biết. Sau khi ghi hình chương trình Điều ước thứ 7, Thanh đã tỏ thật hoàn cảnh của mình với Đào rồi chủ động cắt đứt liên lạc, trở về Thanh Hóa sinh sống (theo lời kể của cha Đào).

Còn đạo diễn chương trình Điều ước thứ 7, Lại Bắc Hải Đăng, cũng xác nhận qua bài phỏng vấn trên báo Thể Thao & Văn Hóa hồi tháng 10/2014 rằng VTV đã phát hiện ra “sự thật” này, vì vậy đã ngưng phát sóng chương trình.

"Có một chương trình rất hay, trước lúc phát sóng đúng 1 tiếng, nhân vật nói ra sự thật, và không phát được nữa. Anh này học nhạc viện, yêu một cô gái mù, dù gia đình phản đối họ vẫn lấy nhau. Cả hai cùng ước mơ được tham gia Sao Mai - Điểm hẹn nên khi sinh con họ đặt tên con là Sao Mai.

Thời điểm làm chương trình đúng lúc cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn diễn ra. Khi đưa anh ấy lên sân khấu hát, kể câu chuyện của hai anh chị khán giả ai cũng bất ngờ, cảm động.

Sau chương trình báo chí đưa tin, lúc đó mới vỡ lở ra là anh ấy đã có vợ từ trước. Cô vợ này khi biết tin đã lên tiếng… Cuối cùng chúng tôi quyết định không phát chương trình nữa. Vì trong chương trình anh ấy là con người tuyệt vời, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Anh Lại Văn Sâm có nói một câu: DUT7 thực hiện ước mơ tử tế dành cho người tử tế. Đó là sự tử tế, đúng đắn, chính trực hàng ngày chúng tôi muốn hướng đến"- đạo diễn Hải Đăng chia sẻ trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên báo Thể Thao & Văn Hóa vào ngày 8/10/2014.

Điều ước thứ 7 có ‘vấn đề’: VTV đã làm gì? ảnh 2

Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng

Thế nhưng, điều bất ngờ, đến ngày 10/1/2015, chương trình vẫn được phát sóng và nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả. Lý do gì mà một chương trình đã xác định bị “gác” vì nội dung không hoàn toàn là sự thật vẫn xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia?

Có thể nói, vì là truyền hình thực tế nên để sản xuất được một chương trình Điều ước thứ 7 là vô cùng khó khăn và tốn kém. Từ khâu tổ chức sản xuất, tiền kỳ, thực hiện đến hậu kỳ, kiểm duyệt v.v… nếu sản xuất đã hoàn tất nhưng không được phát sóng, dù chỉ một số, cũng sẽ gây ra tổn thất rất lớn cho ekip thực hiện, không chỉ về mặt chi phí mà còn nhiều vấn đề liên quan khác.

Chịu trách nhiệm chính về chương trình này, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng cho biết sẽ chính thức lên tiếng về vụ việc này vào hôm nay (16-1).

Đây là lỗi kỹ thuật hay do một “sức ép” nào đó mà VTV chấp nhận cho chương trình “lỗi” lên sóng, có lẽ phải chờ câu trả lời từ người trong cuộc.

VTV có thực sự bị lừa?

Đây không phải là lần đầu tiên VTV “dính án” chương trình có nội dung không trung thực. Còn nhớ những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong các chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, Người xây tổ ấm, X-Factor và gần nhất là những nghi vấn xung quanh màn biểu diễn nuốt axit của thí sinh Vietnam's Got Talent.

Xem xét lại toàn bộ quá trình sản xuất chương trình Điều ước thứ 7 chuyện tình cổ tích của cô gái mù, có thể thấy khá nhiều lỗ hổng thông tin đã bị lướt qua một cách không thỏa đáng.

Để thực hiện chương trình này, điều cốt lõi phải làm đầu tiên là xác minh nhân thân của nhân vật chính. Trong đó bao gồm thông tin cá nhân, lịch sử bản thân và những mối quan hệ gần gũi nhất là gia đình, bạn bè, hàng xóm…

Thế nhưng, xem chương trình Điều ước thứ 7, người xem xem hoàn toàn có thể nhận thấy, nhân thân của Thanh đã bị bỏ qua, không một thông tin, hình ảnh nào liên quan đến gia đình Thanh, cũng như nơi mà Thanh cho là đã từng học - Học viện âm nhạc quốc gia.

Nếu ekip VTV làm tốt ở khâu này, chuyện học vấn của Thanh chắc chắn sẽ không thể bị “nhầm lẫn” như vậy. Chưa kể nhiều người xem chương trình cũng cho rằng không hề cảm nhận được cái "chất học viện" ở chàng trai này.

Điều ước thứ 7 có ‘vấn đề’: VTV đã làm gì? ảnh 3

Sân khấu Sao Mai điểm hẹn đã dành phần cuối chương trình cho sự xuất hiện của hai vợ chồng Thanh - Đào

Hơn nữa, trong chương trình, ngoài Thanh - Đào chỉ có cha, mẹ của Đào xuất hiện trong clip chứ không có bất kỳ người bạn nào - đối tượng biết rõ hoàn cảnh cả hai người, họ hàng, xóm giềng - những người đã tham dự đám cưới đặc biệt, chứng kiến cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng …

Thậm chí cả chính quyền địa phương, người đại diện Trung tâm nghệ thuật tình thương, nơi đã “tình cờ” se duyên cho đôi trẻ… hoàn toàn vắng bóng. Cảnh đi hát rong của Thanh - Đào cũng hết sức buồn tẻ, thiếu sống động vì chỉ có hai người đi trên những con đường vắng bóng người, không có người xem.

Chính vì vậy, câu chuyện mang tính “tự kể”, cộng thêm lời bình có cánh của chương trình dẫn dắt, dùng sự thương tâm để lay động lòng người, sự chênh lệch hoàn cảnh để tạo chi tiết đắt giá cho câu chuyện nhưng lại hoàn toàn là “tự biên tự diễn”, không mượn sự tung hứng từ bên thứ ba, không có yếu tố tương tác, vốn là thủ pháp tạo hiệu ứng lan truyền rất hiệu quả trong truyền hình.

Liệu rằng một đơn vị truyền thông, giải trí hàng đầu cả nước như VTV có dễ dàng bỏ qua những cơ hội tăng chất, tăng giá trị cho phóng sự của mình đến thế?

Nếu để ý kỹ, người xem có thể phát hiện phóng sự lên sóng ngày 10/1 hoàn toàn khuyết đi thời điểm của câu chuyện. Chương trình Sao Mai mà Thanh – Đào xuất hiện là ở thời điểm nào, diễn ra tại đâu? Đây là lỗi hậu kỳ hay do cố ý có sự mập mờ về bối cảnh, thời gian câu chuyện để dễ “ăn nói” nếu xảy ra sự cố.

Cuối cùng, sau ngày 10/1, khi chương trình “lỗi” đã lên sóng, VTV hoàn toàn im hơi lặng tiếng cho đến khi bị Vietnamnet “khui” vấn đề. Chỉ riêng BTV Diệp Chi, người tham gia thực hiện chương trình, chia sẻ trên facebook “Đào và Thanh liên tục gọi điện, vui mừng khoe đoàn hát của TTNT tình thương tổ chức liên hoan cho hai vợ chồng ngay tại phòng trọ... Những niềm vui nho nhỏ cứ thế tiếp nối khiến cho những ngày đông này bớt đi lạnh giá...”.

Trong khi đó, theo xác nhận của gia đình Đào và cả phóng viên Vietnamnet, Thanh và Đào đã không còn chung sống, Thanh đang có mặt ở quê nhà Thanh Hóa (?). Vậy thực tế, buổi liên hoan này diễn ra ở đâu, khi nào, thông tin từ đâu có?

Câu chuyện của Điều ước thứ 7 – Chuyện tình cổ tích cô gái mù và chàng trai học viện âm nhạc quốc gia là một chương trình công phu, dày công chuẩn bị và ý nghĩa tích cực, nhân văn của nó đủ khiến cho khán giả tin rằng có sự thật trong đó.

Tuy nhiên, những chi tiết khó hiểu, không hợp lý, không rõ ràng… của chương trình này vẫn còn đó như một cái gai đối với khán giả, và cái gai cần được chính VTV, bằng sự minh bạch, thẳng thắn của mình, nhổ bỏ để không làm xấu đi hình ảnh một chương trình nhiều ý nghĩa, có tác động tích cực đến xã hội như Điều ước thứ 7.

Theo An Khương
Theo Pháp luật TPHCM
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.