Điều ước thứ 7 ra mắt đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 của kênh VTV3 (31/3/1996), do Ban Thể thao, Giải trí và thông tin kinh tế thực hiện. Chương trình phát sóng lúc 13 giờ thứ 7 hằng tuần, đã phát sóng 3 số, được công chúng chú ý.
Những ước mơ trong chương trình đều bắt nguồn từ những con người có đời sống nội tâm đẹp, có những câu chuyện cá nhân tác động tới cảm xúc chung của khán giả. “Nói đơn giản, đây là những điều ước giản dị tử tế của những người tử tế, chúng nặng về tinh thần hơn là vật chất. Tuy nhiên, chúng tôi không biến Điều ước thứ 7 thành chương trình từ thiện, nhân đạo” - nhà báo Lại Văn Sâm nói tại cuộc họp báo chiều 11/4. Nguyên liệu của chương trình là từ các bài báo, từ phản hồi của khán giả và sự tìm tòi của ê kip.
Ông Lại Văn Sâm cho biết, chương trình sẽ kéo dài nhiều năm, có thể cả chục năm, vì điều ước của con người là vĩnh cửu.
Theo tiết lộ của đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, ý tưởng ban đầu xuất phát từ một sinh viên đang là cộng tác viên của kênh VTV3. Sau đó, ê kip đến các trại giam của Tổng cục 8- Bộ Công an đặt vấn đề thực hiện để phát sóng một chương trình/tuần về các điều ước của tù nhân, lấy tên “Điều ước số 8”. Tổng cục 8 cho rằng, tần suất một số/tuần là quá dày. Ê kip lại thảo luận: Tại sao không mở rộng ra điều ước của những người khác?
Là chương trình truyền hình thực tế, Điều ước thứ 7 không có sẵn kịch bản, thậm chí việc lên kế hoạch cho từng số cũng rất khó khăn. Tất nhiên, phải có những dàn dựng nhất định: bố trí máy quay, thuyết phục nhân vật đến địa điểm ghi hình nhằm thực hiện điều ước. Nhân vật không biết trước những dàn dựng đó. Bởi vậy, phản ứng của họ là rất thật.
“Một trong những điều ước của tôi là chương trình này được phát sóng vào khung 8- 9 giờ tối thứ 7. Nhưng doanh thu đang là nhiệm vụ quan trọng của kênh VTV3” – ông Lại Văn Sâm nói và so sánh: “Kinh phí sản xuất Điều ước thứ 7 không nhiều, dù công sức bỏ ra tốn hơn nhiều lần so với kiểu chương trình như The Voice”.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã giúp chương trình mà không hề có yêu cầu nào mang tính vụ lợi. Chẳng hạn, một công ty du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã tài trợ chuyến đi nghỉ cho đôi vợ chồng 95 - 70 tuổi mới cưới (họ yêu nhau từ hồi trẻ nhưng không đến được với nhau, khi vợ và chồng của đôi bên đã mất, họ tổ chức đám cưới), hoặc một công ty chuyên tổ chức sự kiện đã đảm đương toàn bộ quy trình và trang trí cho đám cưới của nhân vật…
Ông Hải Thanh - đạo diễn hình của chương trình - nói: Với những chương trình như thế này, đài nước ngoài bố trí khoảng 30 máy quay. Chúng tôi chỉ có 5 máy. Tôi cũng phải cầm một chiếc vừa chạy vừa quay.