Mùa fan cuồng

Mùa fan cuồng
TP - Ban nhạc này tan rã rồi sẽ có ban nhạc khác. Lứa người hâm mộ này chưa kịp hoàn hồn, đã có lứa khác điên hơn. Rốt cuộc, chỉ mối quan hệ mất kiểm soát giữa fan cuồng và thần tượng là bất biến?

>Bảng xếp hạng Bài hát yêu thích: Căng thẳng vì tin nhắn
>Nhìn Email bắt hình dong

Từ thần tượng đến nạn nhân…

Dạo này, đội ngũ hùng hậu những người hâm mộ sao ngoại tha hồ có dịp biểu dương lực lượng khi Việt Nam bắt đầu trở thành một thị trường béo bở để các “thần tượng” ghé qua. Vì thế các nhà tổ chức biểu diễn nên là người đầu tiên biết ơn mùa fan cuồng đã đến lúc bội thu, sau nữa tất nhiên là các ngôi sao (thường xuất thân Hàn Quốc). Vì fan chính là lý do để họ tồn tại.

Mối quan hệ giữa fan và thần tượng là một dạng thể hiện của tình yêu. Mà người ta đã kết luận rồi, người đang yêu nói chung tựa như đang ở trạng thái điên nhẹ. Người thất tình thì rất có thể sẽ điên nặng và điên thật. Mà fan thì dễ rơi vào tình thế thất tình lắm, vì tình yêu của họ có hơi hướng đơn phương.

Người bình thường không thể hiểu được vì sao việc đi đón thần tượng, nhìn thấy thần tượng… lại quan trọng thế. Nhưng với người “sinh ra để làm fan” thì đấy là những giây phút thiêng liêng. Nhưng tình yêu của họ thì sợ chết khiếp, lên ô tô kiếm đường khác dông mất. Một số sao, rất tệ, lại cho mình là nạn nhân của fan. Hồi tháng ba, một thành viên nhóm JYJ đã thiếu kiềm chế đến mức đánh fan. Sau đó thành viên Yoo Chun phân trần: “Chúng tôi luôn nhận được sự yêu mến từ những người hâm mộ, tuy nhiên không khỏi đau đầu vì những chiêu trò thái quá của fan cuồng. Họ khiến chúng tôi cảm thấy mình như tội phạm, họ đi theo tôi, ra sức can thiệp vào cuộc sống của tôi”. Thông điệp những thần tượng này gửi đến fan cuồng: Chúng tôi chỉ muốn được đối xử như con người!

Vào năm 2009, nghe nói ít nhất 12 người tự tử để theo bước Michael Jackson. Vậy nên việc người hâm mộ Big Bang ra khỏi nhà từ 6h sáng đến sân vận đồng ngồi đợi suất diễn vào hồi 20h của thần tượng tại TPHCM là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tất nhiên là trước đó họ đã mua vé VIP giá hơn 2 triệu.

Họ cứ tiếp tục trải nghiệm cho hết các cung bậc tình yêu của đời họ, nhưng cũng nên nhớ rằng tình yêu thần tượng của họ có thể quy đổi thành tiền, như giá vé hay cat-xê. Theo một nguồn tin không chính thức thì 30 phút biểu diễn của Big Bang ở Việt Nam có giá khoảng 5 tỷ đồng. Tình cảm của fan có thể coi là một thứ vốn để thần tượng làm ăn. Gây được tình cảm cho đám đông chính là điều mà các sao Hàn buộc phải làm cho được, nếu không muốn nhanh chóng bị đào thải. Thần tượng hay fan thì cũng là bộ phận cấu thành của một trò chơi mà người điều hành nhiều khả năng là bên thứ ba: ông chủ của các thần tượng. Đó là cách mà cái gọi là nền công nghiệp giải trí vận hành.

Fan hóa con chiên?

Tất nhiên chuyện tiền bạc chẳng thể nào lung lay niềm tin của người cuồng mộ. Một khi họ đã suy tôn thần tượng của mình lên hàng thần thánh. “G.D is God” (tạm dịch: G.D là Chúa) là khẩu hiệu giới trẻ viết lên băng-rôn mang đi chào đón thần tượng. G.D là tên tắt của trưởng nhóm BigBang: G-Dragon. Có thể chỉ là đùa vui (nhất là trong làng giải trí - mọi việc vốn để cho vui) nhưng đến đây, những người hâm mộ đã gợi ý một cách hiểu khác về tình yêu của họ: Thần tượng không chỉ là người ta yêu (mà ở xa ta) mà còn là người ta thờ phụng.

Nghe nói khi BigBang vừa xuất hiện trên sân khấu đêm 14-4, khán giả lập tức xô đẩy nhau để tiến lại gần. Bộ phận bảo vệ xem chừng bất lực. Nhưng chỉ cần thần tượng hô một tiếng: “Lùi!” lập tức đâu vào đấy. Một khi đã đưa thần tượng lên… bàn thờ, thì việc hôn cái chỗ thần tượng vừa đặt mông cũng là chuyện rất bình thường - sự việc xảy ra khi Bi-Rain đến Nhà hát Lớn Hà Nội được một người làm truyền hình chứng kiến và miêu tả lại trên Facebook.

Ranh giới giữa bình thường và không bình thường, giữa tình yêu và bạo lực được đẩy đến cao độ, làm hoang mang dư luận. Tình cảm của những người hâm mộ không chỉ là chuyện riêng của họ với thần tượng mà đã ảnh hưởng đến xã hội, bắt đầu từ những gia đình sinh ra người (dứt khoát phải có một đối tượng để) hâm mộ. Gia đình là phù du, Suju là tất cả!- kim chỉ nam của một nhóm người hâm mộ nói lên nhiều điều. (Suju: viết tắt tên ban nhạc Hàn Super Junior).

Một người khác diễn đạt rõ hơn: “Suju là những vị thần! Tình yêu đối với Suju cao quý hơn tất cả những thứ tình cảm trần tục khác, kể cả tình máu mủ”. Một cảnh báo khác: “Nếu một người nào đó làm cho những thiên thần SNSD của Sone khóc thì nhất định Sone (từ chỉ những người hâm mộ nhóm nhạc SNSD) sẽ làm cho kẻ đó khóc và rơi những giọt nước mắt bằng máu”.

Khi bạn phải quay lưng lại với cả thế giới để giữ tình yêu của riêng mình thì tình yêu đó chắc chắn không đáng giá đến thế. Sẵn sàng qua đêm với người lạ để có vé đi xem thần tượng, dọa “khử” người thân khi họ không cho mình đi xem thần tượng hát múa… là những tuyên bố vẫn chưa ráo mực của những người hâm mộ sao Hàn mà báo chí đã dẫn chứng cho một thứ nhân danh tình yêu.

Thôi thì ai cũng có một mùa yêu đương nông nổi, dù là yêu sao Hàn. Chỉ hy vọng cái mùa ấy rồi sẽ qua mà không để lại hậu quả gì đau lòng. Chuyện mấy năm trước ở Hồng Kông: một ông bố Trung Quốc đã phải nhảy sông tự tử, chỉ để mong thần tượng của con gái lưu ý đáp ứng nhu cầu của cô ta là được gặp và nói chuyện riêng với anh này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG