> Người dân thắng kiện UBND quận Thủ Đức
Hai lần đau…
Chiều 22/8, UBND phường 15 hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ (đợt hai) với 90 căn nhà xây không phép tại tổ 61. Chị Dư Thị Khổ (35 tuổi) rơi nước mắt: “Mất chỗ ở, nợ nần chồng chất, tôi biết đi đâu bây giờ?”.
Chị Khổ kể: “Ba chị em mua đất năm 2000. Do vướng QH “treo”, tiền xây nhà không có nên gia đình tôi xin tá túc trong chuồng heo bỏ trống của một người tốt bụng ở ấp 5 xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn). Tháng 5/2013, nghe thông tin nhà nước xóa QH “treo”, thấy người ta xây rần rần nên tôi vay “nóng” hơn 100 triệu đồng làm theo. Trong quá trình xây cất không thấy ai xuống lập biên bản, yêu cầu ngưng. Dọn về ở ít ngày thì có quyết định cưỡng chế của UBND phường”.
Ông Lương Công Trình, cán bộ tư pháp UBND phường 15 thì cho rằng thời gian đó, nhiều chủ nhà đối phó bằng cách khóa cửa bỏ đi khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra nên không biết công trình của ai để lập biên bản.
Theo UBND quận Gò Vấp, ấp Doi có tổng diện tích 40 ha, được quy hoạch là đất cây xanh từ năm 1998. Người dân chịu nhiều thiệt thòi vì bị quy hoạch “treo” suốt 15 năm, không thể xây cất, sửa chữa nhà. Việc mua bán nhà, đất chỉ bằng giấy tay. Cả ấp có 500 hộ gia đình sinh sống với 534 căn nhà nhưng chỉ có 48 gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cần giải pháp vẹn toàn
Theo Chủ tịch UBND phường 15 Lê Minh Liêm, ấp Doi có khoảng 200 căn nhà xây không phép thuộc diện phải tháo dỡ, trong đó có hơn 10 căn vi phạm hành lang an toàn sông Vàm Thuật. Trong hai đợt vừa qua, có 110 căn nhà đã xử lý tháo dỡ. Cơ quan chức năng chỉ cưỡng chế 17 trường hợp. Số còn lại người dân tự nguyện tháo dỡ.
Ông Trần Anh Tuấn thẳng thắn: Bà con lợi dụng lúc “xóa” thanh tra xây dựng phường để xây nhà không phép, chính quyền địa phương xử lý vi phạm là đúng. Nhưng, nên xử lý lúc mới manh nha, đừng chờ đến lúc hoàn thành mới cưỡng chế. Thay vì đập nhà thì cần có một giải pháp lưỡng toàn, vừa giữ kỷ cương pháp luật vừa tránh thiệt hại cho người dân.
Ông Tuấn đề xuất: UBND TPHCM đã có chủ trương cấp phép xây dựng tạm trên đất quy hoạch. Tại sao địa phương không yêu cầu người dân ký cam kết tự nguyện tháo dỡ khi triển khai quy hoạch rồi cho phép căn nhà tồn tại tạm thời để giải quyết nhu cầu trước mắt của người dân về chỗ ở. Đập xong, đất không làm gì, trong khi người dân phải tốn tiền thuê nơi ở mới. Dự kiến vào ngày 28/8 tới, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục triển khai đợt ba, cưỡng chế tháo dỡ thêm 50 -60 căn nhà xây không phép tại khu phố 8.
Đồng Nai: 85 căn nhà bị giải tỏa trắng Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, các cơ quan chức năng TP Biên Hòa (Đồng Nai) sẽ thực hiện quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ một “khu quy hoạch chui” gồm 85 căn nhà tại xã Hóa An (TP Biên Hòa). Khu vực sẽ bị cưỡng chế giải tỏa có diện tích gần 13.000 m2 thuộc quy hoạch công viên cây xanh, đất mặt nước, đất trồng lúa do ông Bùi Văn Toàn sang nhượng lại cho ông Hồ Phi Hùng (SN 1983, ngụ xã Hóa An), vào tháng 2/2013. Sau khi sang nhượng khu đất, ông Hồ Phi Hùng với tư cách pháp nhân Cty TNHH MTV TP Mới Biên Hòa (Cty TP Mới Biên Hòa) đã tiến hành san lấp đất trái phép, tự làm đường, phân chia thành nhiều lô đất và rao bán. Nhiều người dân lao động nhầm tưởng là khu đất đã được quy hoạch nhà ở, giá lại khá rẻ nên đã mua đất xây nhà. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa nói: “Thành phố sẽ cương quyết xử lý, nếu người dân không tự nguyện tháo dỡ thì buộc phải cưỡng chế. Sau đó sẽ xử lý các khu vực xây dựng trái phép ở các phường khác”. Xác định vi phạm của ông Hồ Phi Hùng, UBND TP Biên Hòa đã giao Công an TP Biên Hòa điều tra, lập hồ sơ xử lý. |