> Bầu Đức kiếm tiền nhiều nhất sàn chứng khoán 2012
> Bầu Đức: "Tồn tại hay không tồn tại"
Theo Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành và Ủy ban Đầu tư nước này được thành lập vào năm 1988, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã ngấp nghé lĩnh vực khách sạn du lịch. Tuy nhiên, vốn FDI và số dự án chỉ tăng mạnh khi lệnh cấm vận kinh tế được dỡ bỏ.
Đến giữa tháng 12 năm nay, Myanmar có 35 dự án khách sạn có vốn nước ngoài với công suất 6.235 phòng trên khắp đất nước. Số tiền đầu tư và tài sản tích lũy đạt hơn 1.116 triệu USD.
Trước đây Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư và tài sản, theo sau là Thái Lan, Nhật và Hong Kong. Trong quá khứ không có khách sạn nào của nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar.
Từ năm 2012, khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức chính thức nhảy vào thị phần này, cục diện đã thay đổi.
Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, H.E U Htay Aung cho biết: "HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar".
Theo ông H.E U Htay Aung, dự án Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre bao gồm khách sạn quốc tế 5 sao với hơn 400 phòng, Trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và căn hộ dịch vụ cho thuê.
Trong đó, hạng mục khách sạn và căn hộ dịch vụ tọa lạc ngay khu trung tâm Yangon sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế bao gồm cả khách du lịch và những người kinh doanh đang ngày càng tăng cao tại đây.
Kể từ khi Myanmar mở cửa với thế giới năm 2011 thông qua cải cách chính trị, xã hội và kinh tế, lượng du khách quốc tế đến nước này không ngừng tăng.
Năm 2011 Myanmar đón 816.369 lượt khách quốc tế bao gồm cả du lịch biên giới, đặc biệt là từ Trung Quốc và Thái Lan, tốc độ tăng trưởng đạt 3,14%.
Trong năm 2012 có 1 triệu lượt khách quốc tế đến Myanmar, tăng khoảng 20% so với năm trước. Ông còn dự báo, năm 2013 sẽ có khoảng 1,5 triệu du khách nước ngoài đến Myanmar.
"Điều này cho thấy sức quyến rũ của ngành du lịch và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khách sạn, thương mại rất lớn", ông nói.
Ông H.E U Htay Aung phân tích, Luật Đầu tư nước ngoài được quốc hội Myanmar thông qua đang tạo lực hút đối với nhiều nhà đầu tư ngoại. Trong thời gian tới, Myanmar sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á và SEA Game 27 vào năm 2013; Hội nghị cấp cao ASEAN vào năm 2014; Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2015...
"Đây là thời gian tốt nhất cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khách sạn cũng như các ngành liên quan đến du lịch khác ở Myanmar", ông nhấn mạnh.
Phối cảnh dự án phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Yangon, Myanmar với 3 mặt tiền, một mặt nhìn ra bờ hồ.. |
Trao đổi với VnExpress.net sau lễ ký kết hợp đồng Xây dựng Kinh doanh Chuyển giao (BOT) và Hợp đồng thuê đất với Tổng cục khách sạn du lịch Myanmar, Tổng giám đốc HAGL Land Lê Hùng cho biết: "Khách sạn, văn phòng cho thuê tại Myanmar đang thiếu hụt. Chủ tịch Tập đoàn, Đoàn Nguyên Đức đã chỉ đạo phải bám sát thị trường này".
Ông Hùng cho hay, hiện mọi thủ tục pháp lý của dự án đã hoàn tất. Toàn bộ khu đất đã được giải tỏa. "Chúng tôi đang chờ Bộ Kế hoạch Đầu Tư Việt Nam cấp phép đầu tư ra nước ngoài là bắt tay khởi công ngay", ông tiết lộ.
Tổng giám đốc HAGL Land nhận xét, trong bối cảnh bất động sản Việt Nam trầm lắng, khủng hoảng kéo dài, đây là thời điểm thuận lợi để đầu tư vào Myanmar.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện trong 3 năm từ năm 2013 đến 2015 tập trung xây dựng trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê 1 và khách sạn 5 sao. Giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2018, sẽ xây khu căn hộ cho thuê và tòa nhà văn phòng cho thuê 2.
"Myanmar rất mới mẻ và thay đổi từng ngày, khi hoàn toàn mở cửa, nhà đầu tư sẽ ồ ạt đổ vào đây. Chúng tôi muốn có sẵn sản phẩm để đón đầu cơ hội tại thị trường này vì càng chậm chân thì cuộc đua sẽ càng khó khăn hơn", ông Hùng nói.
Myanmar hiện có 60 triệu dân, là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.300 USD theo ngang giá sức mua (PPP). Sau nội chiến và đóng cửa, Myanmar đẩy mạnh cải cách và thuyết phục được Mỹ cũng như châu Âu nới bỏ cấm vận kinh tế. Năm 2009-2011, các nhà đầu tư thế giới bắt đầu đánh hơi được "mỏ vàng" mới này. Hiện nay hầu hết các khu căn hộ ở đô thị sầm uất nhất Myanmar như Yangon đều cũ nát. Công trình mới chưa theo kịp với làn sóng đầu tư. Văn phòng cho thuê, khách sạn, trung tâm thương mại đang tăng giá mạnh do khan hiếm nguồn cung. |
Theo Vũ Lê
VnExpress