Tiếp thị kiểu ‘khủng bố’ điện thoại
Ngày càng nhiều công ty, đơn vị dội tin nhắn, cuộc gọi để mời mua sản phẩm, dịch vụ khiến các chủ thuê bao bức xúc nhưng không có cách nào cắt đứt sự phiền toái này
Tin nhắn quảng cáo, tiếp thị đang gây phiền phức cho nhiều người ở mọi lúc, mọi nơi Ảnh:Tấn Thạnh. |
Không chịu nổi vì bị “khủng bố” bằng điện thoại, anh Ngô Minh Sang, đang làm việc tại TP HCM, vừa gửi thư đến lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Nhân thọ D. đề nghị đơn vị này bỏ tên và số điện thoại của anh ra khỏi danh sách tiếp thị. Nếu không được, anh sẽ phát động tẩy chay thương hiệu này.
Tiếp thị gây bực bội
Anh Sang cho biết: “Công tác trong ngành tài chính, tôi là khách hàng thân thiết và tiếp xúc với nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ. Hiểu rằng bảo hiểm trước tiên nhằm bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro trong cuộc sống nhưng tôi không chấp nhận cách tiếp thị qua điện thoại của các đại lý bảo hiểm.
Bình quân, 1 năm tôi nhận cả trăm cuộc gọi từ các đại lý của công ty này, có hôm nhận đến vài cuộc. Lúc đầu còn lịch sự từ chối nhưng bây giờ, nghe tên công ty D. là tôi cúp máy. Kiểu tiếp thị “khủng bố” gây bực bội cho khách hàng, buộc tôi phải gửi thư đến lãnh đạo công ty D.”.
Không chỉ thường xuyên bị nhận các cuộc gọi chào bán sản phẩm, dịch vụ mới, mời dự hội thảo từ các đại lý bảo hiểm, ngân hàng nước ngoài, các quỹ đầu tư…, chị Đoàn Tú Anh, làm việc tại quận 3 - TP HCM, còn khổ sở hơn với hàng loạt tin nhắn điện thoại cùng nội dung trên.
Bực dọc vì bị làm phiền, qua điện thoại, chị nhiều lần hỏi các nhân viên tiếp thị vì sao có được số điện thoại của mình và yêu cầu xóa khỏi danh sách khách hàng tiềm năng nhưng các nhân viên này chỉ trả lời chung chung là “bên em có một bộ phận khai thác thông tin khách hàng” rồi đâu lại vào đó.
Theo chị Tú Anh, chị bực bội đến mức độ mất thiện cảm với thương hiệu, không quan tâm và không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào do các công ty này giới thiệu.
Là thuê bao mạng VinaPhone, ngày 15/10, anh Lưu Huỳnh Thắng đăng ký dùng thêm mạng MobiFone. Hai ngày sau, điện thoại của anh liên tục bị “dội bom” tin nhắn rác. Hết mời mua sim số đẹp, mời mua căn hộ chung cư, dự án đất nền, mời làm thẻ ngân hàng đến mua bảo hiểm…
Đủ kiểu chào mời suốt từ sáng sớm đến tối khuya. Mỗi lần bị gọi chào mời mua bảo hiểm, anh đều được các nhân viên tiếp thị gọi đầy đủ họ tên. Từ đó, anh Thắng nghi ngờ MobiFone đã bán thông tin của anh cho các đơn vị dịch vụ khiến họ làm phiền anh không ngừng nghỉ.
Một tin nhắn rác Ảnh: Thanh Nhân. |
Không chỉ là nạn nhân của các công ty, dịch vụ tiếp thị qua điện thoại, anh Trần Tấn Hoàng - giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn quận 10, TP HCM - cho biết anh thường xuyên nhận thư điện tử chào bán thông tin khách hàng là chủ hoặc lãnh đạo các doanh nghiệp với giá chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng cho một danh sách.
“Họ tên, chức vụ, địa chỉ cơ quan, nhà cùng số điện thoại di động, điện thoại bàn… Độ chính xác của các thông tin này lên đến 80%. Bạn bè tôi mặc dù không phải là doanh nhân nhưng cũng nhận được các email tương tự, thậm chí còn có đề nghị trao đổi thông tin khách hàng (nếu có). Với kiểu mua bán, trao đổi thông tin cá nhân công khai như vậy, chủ thuê bao điện thoại không bị làm phiền mới lạ” - anh Hậu nói.
Nhà mạng phủ nhận trách nhiệm
Trả lời câu hỏi có hay không việc các nhà mạng công khai bán thông tin khách hàng của mình để từ đây, các đơn vị bảo hiểm, du lịch, ngân hàng, bất động sản mua lại để “khủng bố” khách hàng bất chấp họ có nhu cầu hay không. Đại diện 3 mạng viễn thông Viettel, MobiFone và VinaPhone đều cho rằng đơn vị mình không bán thông tin khách hàng cho ai cả.
Đại diện mạng VinaPhone chứng minh mình “ngoại phạm” khi cho rằng mạng này duy trì biện pháp bảo mật hiệu quả nhất dành cho khách hàng bằng cách lập trình hẳn một hệ thống theo dõi, kiểm tra nhân viên của mình. Mỗi khi nhân viên nào muốn xem thông tin cá nhân khách hàng, bắt buộc phải có địa chỉ đăng nhập và mỗi lần đăng nhập đều phải chịu sự theo dõi, kiểm tra của hệ thống. Vì vậy, không có cách gì thông tin khách hàng lại lọt ra ngoài.
Mạng MobiFone lại có cách quản lý riêng, phân cấp ai được phép xem thông tin khách hàng để có thể truy tìm sau này, chứ không để nhân viên nào cũng được phép xem. Do đó, việc để lộ thông tin khách hàng là không thể.
Theo các nhà mạng, hiện có rất nhiều trường hợp bị lấy mất thông tin cá nhân một cách tình cờ như khi mua sắm, khách hàng cung cấp số điện thoại để tiện giao dịch, nhận khuyến mãi hay khi tham gia các đợt điều tra xã hội học… Đây chính là đầu mối để lộ thông tin một cách nhiều nhất song khi bị phiền toái, nhiều người lại nghĩ đến các mạng viễn thông để lộ thông tin.
Với lý lẽ đưa ra của các nhà mạng, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp kiểm tra, xử lý thì khách hàng bị hành hạ bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn trời ơi sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.
Thêm cơ hội “dội bom” Chị U., phóng viên của một tờ báo kinh tế thường trú ở TP HCM, cho biết do nhu cầu công việc, chị thường sử dụng điện thoại ở chế độ online 3G liên tục. Mỗi ngày, chị phải hứng chịu hàng chục tin nhắn rác và cuộc gọi quảng cáo từ khắp nơi đổ đến như bán nhà đất, bảo hiểm, vay vốn ngân hàng, hàng điện máy, mỹ phẩm, sim điện thoại hay thậm chí là quảng cáo các khóa học… Ngoài ra, gần đây, khi mạng xã hội facebook hay các phần mềm nhắn tin, gọi điện qua internet như Viber, Zalo, Lines, Kakaotalk trở nên phổ biến thì đây lại trở thành cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận người dùng với những tin nhắn có đính kèm hình ảnh và đường dẫn đến sản phẩm.Các tin nhắn dạng này mặc dù trực quang và bắt mắt hơn nhưng với hàng chục tin nhắn mỗi ngày thì nó lại trở thành thảm họa với người dùng mỗi khi điện thoại đổ chuông hoặc báo có tin nhắn. Có thể kiện do bị quấy rối Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng việc các công ty liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị các dịch vụ, sản phẩm trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm theo theo quy định tại Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình có được thông tin của người tiêu dùng một cách hợp pháp, được sự đồng ý của người tiêu dùng (như các nhà mạng, bệnh viện…) nhưng lại chuyển giao hoặc không có biện pháp bảo mật để thông tin người tiêu dùng lộ ra ngoài thì các công ty, tổ chức này cũng vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài biện pháp tố cáo vi phạm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người tiêu dùng còn có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối mình ra tòa án để buộc các đối tượng này chấm dứt vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có). “Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xử lý nghiêm. Cơ quan điều tra cũng cần xem xét, khởi tố các đối tượng có hành vi mua bán thông tin người tiêu dùng trên các trang mạng về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” - Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất. |
Theo Thanh Nhân – Ngọc Mai - V.Vinh
Người Lao Động