Nhà mạng trước “mối nguy” nhắn tin, gọi điện miễn phí

Nhà mạng trước “mối nguy” nhắn tin, gọi điện miễn phí
Zalo, Viber, Wala, Line, WhatsApp, KakaoTalk... đang nở rộ như nấm sau mưa tại Việt Nam...

> Truy nguồn gốc tin rác
> Nếu chỉ nhập công nghệ nước ngoài, Việt Nam mãi là ‘thuộc địa số’

Sự bùng nổ của các ứng dụng OTT như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng đang là một xu thế trên thế giới
Sự bùng nổ của các ứng dụng OTT như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng đang là một xu thế trên thế giới.

Zalo, Viber, Wala, Line, WhatsApp, KakaoTalk..., những ứng dụng OTT (Over The Top) cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí đang nở rộ như nấm sau mưa tại Việt Nam, tỷ lệ thuận với số người dùng smartphone càng ngày càng lớn.

Hướng phát triển các ứng dụng OTT liệu sẽ như thế nào? Nguy cơ đối với các nhà mạng ra sao? Và liệu có cần chính sách quản lý để dịch vụ OTT không gây thiệt hại tới các mạng di động như kiến nghị của một số mạng…? VnEconomy đã đặt những câu hỏi trên tới chuyên gia công nghệ Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp).

Ông Tân nói:

- Ở Việt Nam hiện có rất nhiều nhà cung cấp ứng dụng OTT khác nhau, cả trong nước và ngoài nước.

Khi smartphone phát triển, những ứng dụng OTT sẽ có một vai trò chủ đạo, bởi người ta sẽ rất ít khi nhắn tin kiểu thông thường nữa. Nhắn trên OTT vừa thuận lợi hơn, vừa tiết kiệm hơn vì miễn phí. Thậm chí những người có điều kiện kinh tế, khi nhắn cho người khác có khi cũng thích nhắn dạng này hơn, vì cảm giác không làm thiệt hại cho người nói chuyện.

Thêm nữa, tin nhắn OTT không chỉ là tiết kiệm. Với tin nhắn SMS thông thường, nhắn tin chỉ được text không. Lợi thế quan trọng nhất của SMS là khi nhắn, người nhận gần như chắc chắn nhận được ngay, cùng chức năng thông báo khi có tin nhắn đến. Nhưng OTT cũng có tất cả các chức năng đó. Ngoài ra, OTT còn có thể gửi đường link, hình ảnh... rất thuận tiện và người dùng cảm thấy dễ chịu hơn.

Chính vì thế, dịch vụ OTT nhiều ưu thế hơn so với tin nhắn thông thường lâu nay và tất nhiên người ta sẽ sử dụng thôi. Tôi nghĩ OTT sẽ phát triển đột biến trong vài ba năm tới.

Muốn hạn chế cũng không hạn chế được

Nhưng trong thời gian qua, nhiều nhà mạng cho rằng, các ứng dụng OTT đã và đang khiến nhà mạng thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, và kiến nghị cơ quan chủ quản cần sớm có những chính sách quản lý để hạn chế sự thiệt hại. Suy nghĩ của ông thì thế nào?

Theo tôi, khi xem xét một dịch vụ có nên hạn chế hay không thì mình phải đứng ở góc độ người tiêu dùng, chứ không đứng ở góc độ doanh nghiệp. Ở đây, nhà mạng thiệt hại có thể nghìn tỷ đồng, nhưng người tiêu dùng lại được lợi nghìn tỷ.

Không có lý do gì mình có công nghệ tốt hơn, nhưng vì một vài doanh nghiệp mà lại bắt người tiêu dùng chịu thiệt.

 Trước đây có gửi thư tay, sau đó sinh ra Internet thì có thư điện tử, lúc đấy tự dưng thư tay “chết”, chứ không thể vì thư tay mà cấm thư điện tử, cấm Internet được.  

Ngày xưa, khi mạng di động phát triển đã làm “chết” mạng cố định, doanh thu của mạng cố định bị thiệt hại, chả lẽ lúc đấy ta lại đóng mạng di động lại không cho phát triển? Nhưng sau khoảng 10 năm mới thấy lợi ích của mạng di động mang lại vượt trội so với mạng cố định. Mạng cố định phải chấp nhận là yếu dần đi.

Tương tự, trước đây có gửi thư tay, sau đó sinh ra Internet thì có thư điện tử, lúc đấy tự dưng thư tay “chết”, chứ không thể vì thư tay mà cấm thư điện tử, cấm Internet được.

Vì thế, tôi nghĩ cần nhìn trong ngữ cảnh toàn cục, cả nền kinh tế được lợi, xã hội được lợi... để điều chỉnh như thế nào.

Các nhà mạng sở hữu công nghệ kém hơn và buộc phải trả phí dịch vụ, còn ứng dụng OTT có công nghệ tốt hơn và được cung cấp miễn phí, thì không có lý do gì tự dưng tìm cách làm cho các nhà mạng có lợi nhuận cao hơn bằng cách bắt người dùng chịu thiệt.

OTT chỉ hoạt động được khi được kết nối Internet. Vậy thì chưa bàn đến chuyện chính sách, liệu các nhà mạng có thể tự tìm cách hạn chế OTT nếu họ muốn không, thưa ông, ví dụ như... tăng giá cước 3G?

Có lẽ là, muốn hạn chế cũng không hạn chế được.

Nếu nhà mạng hạn chế dịch vụ này người ta sẽ dùng dịch vụ khác. Thứ hai, người tiêu dùng có thể nhắn qua Wi-Fi, vì hiện vùng phủ sóng của Wi-Fi khá tốt. Cuối cùng thì người ta vẫn không sử dụng dịch vụ truyền thống của nhà mạng.

Bản chất thị trường là cạnh tranh, cơ quan nhà nước thì không có lý do gì cấm người dùng sử dụng dịch vụ đấy. Chỉ cần một trong các nhà mạng không hạn chế dịch vụ này thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang dịch vụ được miễn phí. Nên, các nhà mạng muốn hạn chế cũng không hạn chế được, và cũng không có lý do gì để hạn chế.

Còn việc nhà mạng tăng giá cước 3G là chuyện bình thường vì họ cảm thấy bán sản phẩm lỗ thì họ có quyền tăng giá để có lãi, chứ mình không thể bắt người ta chịu lỗ để hỗ trợ cho người dùng được, chỉ cần người ta không cưỡng ép khách hàng phải thế nọ phải thế kia.

Thứ hai, mức tăng đó là nhỏ, tính ra một người chỉ hết khoảng hơn 2 USD/tháng cho gói đó, còn gói ở trên 100.000 đồng dung lượng dùng vẫn rất tốt. Mức tăng giá chấp nhận được. Thêm 10.000 đồng/tháng cũng không ảnh hưởng quá lớn đến đa số người dùng. Quan trọng là việc tăng giá cước đấy thực sự xuất phát từ nhu cầu kinh doanh của họ.

Theo ông, để thúc đẩy dịch vụ OTT phát triển và không làm thiệt hại đến nhà mạng, thì cần sự hợp tác như thế nào giữa các nhà mạng và doanh nghiệp OTT?

Tôi nghĩ có rất nhiều phương án, còn kết hợp như thế nào là về mặt kinh doanh giữa các đơn vị. Tuy nhiên, mình không thể ra phương án để cưỡng ép người dùng phải dùng gói dịch vụ của hai bên, mà cần có chính sách để đảm bảo tất cả các dịch vụ OTT đều được truy cập công bằng.

Còn đứng ở góc độ các chính sách của cơ quan nhà nước thì sao?

Nhà nước nên có chính sách bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép các nhà mạng hạn chế các loại dịch vụ. Nhà mạng không cung cấp được dịch vụ nhắn tin miễn phí mà người khác cung cấp được thì anh phải chấp nhận rút lui khỏi thị trường ở dịch vụ đó.

Một sản phẩm mới cung cấp miễn phí, thậm chí tặng thêm các giá trị khác cho người dùng, còn anh không làm được thì chứng tỏ mô hình kinh doanh của anh có vấn đề, chứng tỏ anh đã lạc hậu và cần phải thay đổi. Đấy là chuyện hiển nhiên. Không thể đưa ra chính sách bảo vệ các dịch vụ đã lạc hậu.

Và Nhà nước cũng cần có chính sách bảo vệ các doanh nghiệp mới cạnh tranh được, đưa ra các dịch vụ mới rẻ hơn cho người tiêu dùng, thay vì chỉ quan tâm đến doanh nghiệp cũ bị mất mát. Cần ra chính sách giúp cho các doanh nghiệp mới đem các dịch vụ miễn phí tốt hơn cho người tiêu dùng.

Cách tốt nhất là nhà mạng có thể tự làm các dịch vụ OTT, có thể đầu tư để phát triển các dịch vụ tương tự như vậy.

Mô hình kinh doanh chưa rõ ràng

Theo chủ quan của ông, xu hướng phát triển dịch vụ OTT trong thời gian tới sẽ như thế nào, đặt trong bối cảnh cạnh tranh với các dịch vụ tương đương của nhà mạng?

Tôi cho rằng, dịch vụ OTT sẽ tăng trưởng theo quy mô của số lượng smartphone, khi mà độ phủ 3G gần như phủ hết và smartphone sẽ đạt khoảng 70-80% lượng người dùng điện thoại. Vì thế, gần như người dùng sẽ dùng dịch vụ này thay vì nhắn tin và đàm thoại truyền thống.

Các nhà mạng có ba dịch vụ chính là thoại, tin nhắn và dữ liệu, thì các dịch vụ dữ liệu chắc chắn vẫn giữ được, nhưng tin nhắn sẽ bị OTT thay thế, còn cuộc gọi có thể bị thay thế một phần.

 Hiện nay, có thể thấy một số dịch vụ OTT sẽ theo hướng mạng xã hội, khi có người dùng nhiều thì sẽ biến thành mạng xã hội. Hướng thứ hai thì sẽ đi sâu hơn vào nhắn tin, gọi điện và tìm cách kiếm tiền từ đấy. 

Số lượng người dùng tin nhắn qua OTT sẽ rất nhiều và sẽ đạt đến điểm cân bằng, khi mà các doanh nghiệp OTT có thể thu phí ở mức độ nào đó để duy trì phát triển, nếu không tìm được mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận. Lúc đó, dịch vụ tin nhắn và đàm thoại qua OTT sẽ cạnh tranh ngược lại với tin nhắn và đàm thoại truyền thống của nhà mạng, xác lập nên một mặt bằng giá mới và sẽ giúp đẩy giá xuống, tốt hơn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, có thể thấy một số dịch vụ OTT sẽ theo hướng mạng xã hội, khi có người dùng nhiều thì sẽ biến thành mạng xã hội. Hướng thứ hai thì sẽ đi sâu hơn vào nhắn tin, gọi điện và tìm cách kiếm tiền từ đấy.

Liệu các công ty OTT đã nên bắt đầu thu phí?

Muốn thu phí hay không là quyền của họ. Tùy từng công ty, như WhatsApp vẫn thu phí vì cho rằng phải thu phí mới bền vững được. Nhiều công ty đang trong giai đoạn đầu tư thì họ không thu phí.

Hiện, để cạnh tranh có số đông người dùng thì các doanh nghiệp OTT buộc phải không thu phí và họ có thể tìm nguồn thu từ hướng khác. Đa phần các công ty OTT bây giờ đều xuất phát từ làm game, nên có thể họ kỳ vọng sau này có lượng khách hàng rồi thì có doanh thu từ game là chính.

Thời điểm này các công ty đều phải đổ tiền ra quảng cáo để phát triển dịch vụ, nên một công ty thu phí sẽ lập tức tụt hậu ngay so với công ty khác. Tuy nhiên, đến một lúc đạt đến quy mô buộc phải có nguồn thu, nếu không tìm được nguồn thu tốt thì họ sẽ phải đóng cửa hoặc giảm chất lượng dịch vụ.

Ông dự báo dịch vụ OTT sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, vậy tại sao VC Corp - một công ty chuyên về nội dung số - lại không đầu tư vào phát triển dịch vụ này?

Để phát triển dịch vụ OTT cần một nhóm hàng chục lập trình viên, cộng với máy chủ hạ tầng để phát triển dịch vụ, VC Corp có thể làm được, nhưng buộc phải có khoản vốn lớn để duy trì lượng nhân sự, cũng phải mất 4-5 tỷ đồng một tháng để phát triển.

Thêm nữa, hiện đã có quá nhiều công ty tham gia thị trường cả nội và ngoại, lại mất tiền tỷ để quảng bá nữa trong khi mô hình kinh doanh chưa rõ ràng, thị trường quá đông người tham gia và khoản tiền đầu tư quá lớn. VC Corp chưa đủ lực dù thị trường cũng lớn, cũng hấp dẫn.

Theo Mạnh Chung
vneconomy.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG