Tàu Parker Solar sẽ đến gần Mặt trời nhất vào ngày 24/12 (Ảnh: NASA/Johns Hopkins APL/Steve Gribben) |
Mặc dù tàu thăm dò này sẽ thực hiện thêm một vài chuyến bay ngang cuối cùng trong 12 tháng tới, nhưng khả năng nó sẽ không đến gần hơn nhiều so với chuyến bay tới mặt trời sắp tới.
Tàu thăm dò Parker được phóng vào năm 2018 với mục tiêu tìm hiểu thêm về bầu khí quyển của mặt trời, hay vành nhật hoa. Tàu thăm dò đã thực hiện được điều này lần đầu tiên vào năm 2021. Để làm được điều này, tàu vũ trụ đã nhiều lần bay vòng quanh Trái đất, cũng như thỉnh thoảng bay quanh sao Kim, để tạo đủ tốc độ và động lượng để tiến gần mặt trời hơn. Cho đến nay, nó đã hoàn thành 21 lần bay vòng quanh mặt trời.
Tàu thăm dò này đã đến gần mặt trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác trong lịch sử, đạt khoảng cách tối thiểu khoảng 7,2 triệu km từ Trái đất trong các lần tiếp cận gần vào tháng 10 năm 2023 và tháng 3 năm 2024.
Trước đó, nó cũng đã phá vỡ kỷ lục về vật thể do con người tạo ra nhanh nhất, đạt tốc độ tối đa khoảng 635.000 km/giờ, nhanh hơn khoảng 150 lần so với tốc độ của một viên đạn súng trường.
Vào ngày 24/12 tới, tàu thăm dò Parker sẽ đến cách mặt trời 6,1 triệu km và đạt tốc độ tối đa khoảng 700.000 km/giờ, theo NASA. Để làm được điều này, tàu vũ trụ này sẽ phải chịu được nhiệt độ vượt quá 1.400 độ C nhờ tấm chắn nhiệt gần như không thể phá hủy trước sức nóng khủng khiếp của mặt trời.
Chuyến bay tới mặt trời sắp tới đánh dấu một năm bận rộn của tàu thăm dò Parker. Sự tiếp cận mặt trời lần này cũng trùng với thời kỳ cực đại của mặt trời trong chu kỳ hoạt động kéo dài khoảng 11 năm, diễn ra trong suốt năm nay và có khả năng sẽ tiếp tục đến tận năm 2025.
Dự kiến, tàu thăm dò Parker Solar Probe sẽ thực hiện thêm bốn lần bay gần mặt trời nữa vào năm 2025.