Cuộc chiến giữa ba 'ông lớn'

Cuộc chiến giữa ba 'ông lớn'
Cuộc tranh giành giữa ba “ông lớn” Google, Apple và Facebook nhằm thống trị thị trường mạng đang diễn ra ngày càng khốc liệt và không thiếu những thủ đoạn bẩn thỉu.

Cuộc chiến giữa ba 'ông lớn'

> Người dùng Facebook cần đổi mật khẩu ngay
> Microsoft mua Skype với giá 'khủng'

Cuộc tranh giành giữa ba “ông lớn” Google, Apple và Facebook nhằm thống trị thị trường mạng đang diễn ra ngày càng khốc liệt và không thiếu những thủ đoạn bẩn thỉu.

Người sử dụng chính là mục tiêu trong cuộc tranh giành giữa những ông lớn công nghệ. Ảnh: Guardian
Người sử dụng chính là mục tiêu trong cuộc tranh giành giữa những ông lớn công nghệ.
Ảnh: Guardian.

Ngày 19-5 (giờ Mỹ), ba “ông lớn” Apple, Facebook, Google đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ bê bối trong thu thập thông tin cá nhân của khách hàng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho dịch vụ định vị và quảng cáo. Với Facebook, đây là lần thứ nhất; còn với Apple và Google, đây đã là lần thứ hai.

“Cuộc điều trần nhằm tìm kiếm khả năng can thiệp của chính phủ để bảo vệ lợi ích của người sử dụng và sự tự do cá nhân của họ” - nghị sĩ John Rockefeller, chủ tịch phân ban bảo hiểm, an toàn sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng của Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh.

Hợp tác hay chơi bẩn?

Trang The Daily Beast ngày 12-5 đã khiến giới công nghệ sửng sốt khi tiết lộ Facebook chính là thủ phạm của việc thuê một công ty quan hệ công chúng (PR) nổi tiếng của Mỹ để tung những thông tin tiêu cực về đối thủ Google. Burson-Marsteller, một trong năm công ty truyền thông và quảng cáo hàng đầu thế giới, đã tìm cách tiếp cận các hãng truyền thông, các chuyên gia công nghệ hàng đầu để tung tin là dịch vụ Social Circle của Google đang lén lút “thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu người sử dụng” trên các trang mạng xã hội, trong đó bao gồm cả Facebook, và hối thúc họ điều tra vụ việc này. Social Circle là công cụ cho phép những người có tài khoản của Google liên kết với mạng lưới bạn bè thuộc các trang mạng xã hội khác.

Burson-Marsteller còn tìm cách tiếp cận các tay viết blog để yêu cầu họ viết bài nói xấu Google với lời hứa sẽ cho đăng trên những tờ báo danh tiếng như Washington Post, Politico, hay Huffington Post. Động thái này được Burson- Marsteller triển khai thay mặt một khách hàng giấu tên.

Tuy nhiên, mọi việc đã bị đổ bể khi một blogger tên Chris Soghoian từ chối, thậm chí còn cho đăng tải nội dung thư yêu cầu từ Burson-Marsteller. “Tôi không nghĩ đó là điều bình thường... Tôi lập tức hỏi họ rằng “ai trả tiền cho các anh?” nhưng họ nói “chúng tôi không thể tiết lộ”, thật là lạ” - Soghoian nói.

Mục đích thật sự của chiến dịch bôi nhọ được Facebook biện minh là vì hãng lo sợ trước việc Google đang muốn tiếp cận thông của tin hơn 600 triệu người sử dụng của mình để xây dựng một mạng xã hội riêng. Nhưng, sau đó Facebook đã lên tiếng phủ nhận và khẳng định là họ không cố tình chơi bẩn đối thủ.

“Thật ra chúng tôi muốn có một bên thứ ba xác minh rõ là người sử dụng không chấp nhận việc thu thập và sử dụng thông tin từ các tài khoản Facebook cho Social Circle của Google”, người phát ngôn của Facebook chống chế. Lúc này, “nạn nhân” Google cứ im lặng để mặc búa rìu dư luận trút lên đầu đối thủ!

Trước đó Facebook và Google đã từng lời qua tiếng lại về việc cả hai đều muốn thò tay vào thông tin người sử dụng của đối thủ để kiếm lợi. Ngoài ra, Facebook cũng từng chiêu dụ thành công hàng loạt quản lý và kỹ sư nòng cốt của Google, buộc hãng này phải nâng lương nhân viên đến 10% trong năm nay.

Ngược lại, Facebook lại chọn hợp tác với Microsoft, hãng sở hữu công cụ tìm kiếm đối thủ của Google là Bing, theo AP ngày 16-5. Microsoft cho biết cũng sẽ phối hợp với Facebook trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin vì cả hai đang có một đối thủ chung là Google.

Người sử dụng như món hàng

Việc Facebook để lộ chiêu chơi bẩn đối thủ đã trở thành cái tát ngược lại cho họ và cả Burson-Marsteller. Trước đó, mạng xã hội này cũng đã bị một vố đau liên quan đến việc để lộ thông tin người sử dụng.

“Facebook quá non nớt so với vị trí mà nó đang nắm giữ. Nó lớn quá nhanh và dễ phạm những sai lầm tương tự như thế này” - nhà phân tích Hadley Reynolds nhận định. Hành động ném đá giấu tay cũng đi ngược lại điều mà tổng giám đốc điều hành Mark Zuckerberg luôn rao giảng bấy lâu về tính minh bạch của Facebook.

Mạng xã hội này trước nay luôn yêu cầu người sử dụng khai báo danh tánh thật để hành xử có trách nhiệm hơn. “Có hai nhân dạng là một điển hình của sự thiếu chính trực”, ông Zuckerberg từng nhấn mạnh.

Lý do lớn nhất của cuộc đấu đá là nguồn thông tin cá nhân của người sử dụng, mà các công ty đang nắm giữ để giành lợi thế trên thị trường quảng cáo online tại Mỹ, được dự báo sẽ tăng 11% trong năm nay lên gần 30 tỉ USD. Doanh thu từ quảng cáo của Facebook hiện lên đến 2 tỉ USD mỗi năm.

Người sử dụng trong cuộc chiến của ba “ông lớn” đã trở thành một món hàng.

“Cuộc tranh chấp như một lời nhắc nhở rằng các dịch vụ miễn phí như Google và Facebook cũng có cái giá của nó. Người sử dụng cần ghi nhớ sự thật rằng: nếu họ không trả tiền cho một sản phẩm thì họ không phải là khách hàng, mà chỉ là món hàng bị mua bán. Những dịch vụ xã hội như Facebook lợi dụng thông tin mà người dùng tiết lộ với họ để giúp những nhà quảng cáo đưa ra chiến lược tiếp thị chính xác” - L. Gordon Crovitz của trang WSJ nhận định, và nhấn mạnh lợi nhuận từ truyền thông xã hội đang làm thay đổi sự tôn trọng đối với sự riêng tư cá nhân của người sử dụng.

Theo Trần Phương
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.