Ngập lụt TPHCM: Không chống nổi thì ...sống chung

Ngập lụt TPHCM: Không chống nổi thì ...sống chung
TP - Ngập lụt ở TPHCM không còn là chuyện hiếm gặp, bởi cứ mưa hay triều cường là nước ngập lênh láng, gây phiền lụy cho cư dân thành phố, đến nỗi người đứng đầu thành phố cũng thừa nhận “Phải tính đến phương án sống chung chứ không chống nổi”. Còn các chuyên gia nói gì?

> Ai chịu trách nhiệm vỡ bờ bao?
> Vỡ bờ bao, nhà dân ngập nặng

Vì sao?

Theo Thạc sĩ Lê Xuân Bảo, PGĐ Đại học Thủy lợi (cơ sở 2 TPHCM), Phó Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường, nguyên nhân ngập úng của TPHCM đến từ 3 yếu tố chính: Thứ nhất do triều cường, mưa và lũ ở thượng nguồn đổ về;

Thứ hai do địa hình thấp hơn so với mực nước của thủy triều; Thứ ba do hệ thống thoát nước xuống cấp và quá tải, dẫn đến tắc nghẽn, không thoát kịp nên gây ngập úng. Ngoài ra phải kể đến tác động không nhỏ đến từ quy hoạch, dân cư, lún đất,…

Để chống ngập cho TPHCM, theo ông Bảo, cần giải pháp tiến hành tổng hợp gồm hai thành phần là biện pháp công trình và phi công trình. Biện pháp công trình là biện pháp bao gồm xây dựng nhiều hệ thống thoát nước, kênh rạch, đê bao, quy hoạch đô thị… còn biện pháp phi công trình là biện pháp xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm (như cảnh báo thiên tai) nhằm hỗ trợ cho người dân biết trước thông tin để phòng và chống ngập, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, để chống ngập thì phải triển khai đồng bộ trên toàn thành phố, nếu không chống chỗ này sẽ ngập chỗ kia.

Thạc sĩ Đỗ Đức Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho hay, nguyên nhân ngập lụt ngày càng nặng là do 20 năm qua, mực nước biển đã tăng 10- 12 cm, trong khi đó, theo Atlat TPHCM năm 2013, trung bình mỗi năm TPHCM lún khoảng 4- 5 mm.

Hai vấn đề này tỷ lệ nghịch với nhau nên ngập lụt ở TPHCM ngày càng sâu và nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa của TPHCM cao, các quận như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 6, quận 7… tăng 10- 70% rồi hệ thống thoát nước kém, chưa đủ năng lực để tiêu thoát nước khi có mưa lớn hay triều cường…

Giải pháp nào?

Nói về giải pháp, ông Dũng cho hay, đối với TPHCM, hai quy hoạch cơ bản là nội đô và ngoại đô và phải giải quyết một lúc đồng bộ cả hai giải pháp này mới có hiệu quả. Tuy nhiên, ông Dũng cũng băn khoăn vì để chống ngập cho TPHCM sẽ cần 1 nguồn vốn rất lớn.

Dự kiến khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng. Đây là vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, nền đất bên ngoài ngoại ô là đất yếu nên khi đặt các đường ống cống lớn sẽ dễ bị lún, các đường ống không ăn khớp với nhau nên không hoạt động hiệu quả.

Trong khi đó, GS- TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, ĐH Công nghiệp TPHCM nói: “Về nguyên nhân, tôi không bàn nữa. Riêng về giải pháp chống ngập ở TPHCM, theo tôi, không khả thi lắm bởi hệ thống kênh rạch TPHCM khá chằng chịt, trong khi đó chúng ta đắp đê bao quanh sẽ gây ra nhiều hệ lụy”.

GS- TSKH Lê Huy Bá giải thích thêm: “TPHCM và các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương là những khu vực có địa hình khá thấp. Giả sử như chúng ta bao đê quanh được toàn TPHCM thì khi triều cường, lũ hay mưa lớn, nước không vào được khu vực TPHCM sẽ tràn ra các khu vực xung quanh khiến cho các khu vực này ngập nặng hơn.

Bên cạnh đó, hệ thống kênh rạch ở TPHCM đang ngày càng nhỏ dần do bị lấn chiếm, điều này được hiểu theo nghĩa khi tiết diện nhỏ đi bao nhiêu lần tốc độ dòng chảy tăng lên bấy nhiêu lần và động năng của dòng chảy tăng theo bình phương chia hai. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc sạt lở ở các dòng sông nói chung ngày càng nghiêm trọng. Và ảnh hưởng của nó là TPHCM đang phải hứng chịu từ “ngập hiền” sang “ngập dữ”.

GS- TSKH Lê Huy Bá cho biết, thành phố nên mạnh dạn di dời dân từ những vùng thấp đến những vùng cao và phải tập quen sống chung với ngập lụt; Bên cạnh đó, TPHCM cần xây dựng nhiều hồ chứa tự nhiên để điều tiết lượng nước do triều cường, mưa và lũ. Cũng cần đem phương pháp chống ngập ở TPHCM ra công khai để các nhà khoa học bàn luận, thảo luận, đóng góp ý kiến, như thế sẽ khả thi hơn.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG