> ‘Không đưa phong bì, y đức sẽ cải thiện’
Ngành y và phong bì. Ảnh: Internet. |
Đó là một trong rất nhiều ý kiến phản hồi về tòa soạn khi đọc câu trả lời “người dân, người nhà bệnh nhân không đưa phong bì, y đức của cán bộ, bác sỹ sẽ dần cải thiện” trước Ủy ban thường vụ Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
“Nói về phong bì,gần đây nhiều nhà quản lý đều đổ lỗi cho dân. Quả là những phát ngôn này đã đi ngược lại nguyên lý Marketing đương đại. Nói thế chẳng khác gì để chống lại cơn đói thì tốt nhất đừng ăn gì hoặc để chống lại cơn khát chạy chức chạy quyền thì tốt nhất đừng bày đặt ra chức nọ, ghế kia làm gì.” – Bạn Chuyen Phu bình luận.
Bạn đọc Vũ Hải cho biết, chẳng ai muốn đưa phong bì cho ai cả, với dân nghèo thì lại càng không muốn mất thêm tiền, vì với họ, 50.000 hay 100.000 đồng là cả một vấn đề.
“Tại sao không suy xét ngược lại: Vì sao dân cứ phải đưa phong bì, phải chăng nó liên quan trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh, đến sự quan tâm ưu ái của y bác sĩ, đến việc giải quyết thủ tục khám chữa bệnh? – Vũ Hải nêu câu hỏi.
Bạn đọc Trần Thị Mẫn cho rằng, câu trả lời của bà Tiến đang chối bỏ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế: “Chỉ cần dân không đưa phong bì thì y đức sẽ cải thiện!" Thật buồn cười, dân nào muốn đưa phong bì? Điều này cho thấy bà Tiến chối bỏ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và đổ lỗi cho dân. Nếu đơn giản như thế thì cần gì đến các biện pháp quản lý này nọ, chỉ cần không đưa phong bì là xong ! Ôi, đơn giản thế thôi sao ?!”
Bạn đọc Lê Nguyên Hùng thẳng thắn nêu quan điểm: “Vấn đề là không đưa phong bì thì người nhà tôi sẽ bị chích kim mạnh hơn, giật bông băng lau vết thương, vứt văng vạ người nhà tôi ... và ghê nhất là thái độ khinh rẻ bệnh nhân.”
Cùng quan điểm với Lê Nguyên Hùng, bạn đọc Huỳnh Văn Lộc cho rằng, không đưa phong bì thì bệnh nhân sẽ không được bác sĩ chăm sóc tận tình, tính mạng bị đe dọa, ai chịu trách nhiệm.” – Anh Lộc nói.
Bạn đọc Đào Lý Tưởng thì cho rằng, y đức chỉ được cải thiện một khi Bộ trưởng ra những quyết định như: Buộc thôi việc nếu nhận phong bì, tiền của người nhà bệnh nhân. Chỉ cần có video, ghi âm giọng nói làm bằng chứng gửi sở y tế là thanh tra giải quyết luôn.
Bạn đọc Nguyễn Huy thì dẫn chứng trực tiếp: “Ở một bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh nhân vào mổ phải bồi dưỡng bác sỹ mổ. Khi mổ xong một bác sỹ đến yêu cầu người nhà bệnh nhân phải bồi dưỡng mỗi ca vài triệu đồng tuỳ theo bệnh nặng nhẹ (trung bình 3 triệu đồng/ca), không đưa không được, vì đây là luật của khoa này đã có từ rất lâu rồi.
“Không tin các cơ quan cứ điều tra, thăm dò bệnh nhân thì biết. Nhân dân rất bức xúc nhưng không biết kêu ai”. – Bạn Nguyễn Huy quả quyết.
Về việc Bộ trưởng Tiến cho rằng, thu nhập của bác sỹ, cán bộ, công nhân viên bệnh viện còn thấp, bạn đọc Đinh Ngọc Phú cho rằng, nói như Bộ trưởng Y tế, lương của bác sỹ hiện nay mà thấp thì lương người lao động ra sao? “Phương châm đạo đức của y, bác sỹ so sánh bằng tiền. Vậy thôi cứ để cho bệnh nhân tự quyết định sự sống của mình với bác sỹ” – Bạn Phú chua chát nói.
Về vấn đề Bộ trưởng Tiến cho rằng, người dân đều muốn khám bệnh ở tuyến Trung ương, gây ra tình trạng quá tải, bạn Trần Thị Mẫn nêu quan điểm, có lẽ Bộ trưởng chưa bao giờ sâu sát cung cách khám, chữa bệnh của tuyến dưới hoặc giả vờ không biết. “Thử hỏi nếu bà (hay người thân của bà) khi đau ốm (như mổ ruột thừa, sinh đẻ, ...) thì bà có dám để dưới tuyến huyện, xã làm không, hay lại sợ tiền mất tật mang?”- Bạn Mẫn nói.
Bạn Mẫn cũng cho rằng, cái hay nhất khi Bộ trưởng Tiến trả lời chất vấn là lời hứa chốt hạ phải tăng viện phí. “Cái này thì trả lời đạt”.