Lo hậu sự cho người nghèo

Lo hậu sự cho người nghèo
TP - Lão nông Nguyễn Văn Thương (81 tuổi ở tỉnh An Giang) hiến đất làm nghĩa địa, dựng trại đóng quan tài (hòm) giúp không người nghèo.

Sáng 9-12, ông Thương và vài người hàng xóm ở ấp Mỹ An 2 (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên) dậy sớm đến nghĩa địa từ thiện của ông để chuẩn bị mai táng bà Võ Thị Ánh. Anh Đỗ Văn Tiết, con trai bà Ánh, nói: “Chúng tôi nghèo, sống ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên. Tôi rất biết ơn khi được chú Thương và người dân ở đây giúp đỡ để chôn cất mẹ.”.

Hai nghĩa trang của xã Mỹ Hòa Hưng (TP An Giang) hết chỗ từ hai năm trước. Những gia đình không đất chôn nhờ cậy nghĩa địa từ thiện. Nhưng nghĩa địa từ thiện (đất vườn của ông Thương với diện tích khoảng 2.000 m2) cũng chật chỗ. Giữa năm 2010, khi người ta bốc mộ hết, ông Thương vận động bà con trong ấp đóng góp, tôn nền cát cao gần 1m làm nghĩa địa mới. 65 người đóng góp với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng, trong đó ông Thương góp nhiều nhất (16 triệu đồng).

Mới đây, bà con xây sẵn 88 mộ phần (kim tĩnh) để chờ đặt quan tài cho người nghèo. Mùa lũ vừa qua, nghĩa địa từ thiện này đón 20 người dân nghèo đến an nghỉ.

“Chứng kiến nhiều gia đình không có tiền mua hòm chôn cất người thân, tôi rất day dứt và nghĩ cần phải giúp”, ông Thương tâm sự. Ông Thương có 2 ha ruộng, 7 người con. Hiện nay, vợ chồng ông sống cùng người con út.

Trước đây, sau mỗi vụ lúa, ông dành một khoản tiền mua gỗ chở sang TP Long Xuyên đặt đóng hòm. Mỗi khi có người nghèo trong xã chết, ông chở hòm đến cho. Nhưng do chi phí đóng hòm ngày càng cao, nên ông dựng trại hòm từ thiện vào năm 2008, rộng khoảng 300 m2 trong đất vườn nhà.

Ông Thương và bà con đóng góp tiền mua gỗ, thuê thợ, chuyên chở... Khoảng 1 năm sau, ông Lê Văn Truyện, một thợ mộc trong ấp, tình nguyện đến đóng hòm, nhiều nông dân như: Ba Trang, Năm Mộng, Út Phúc… cũng kéo đến làm giúp.

Họ phơi các tấm ván dày 2cm rất kỹ rồi mới đóng hòm. Chỉ 8 chiếc hòm vừa đóng xong, một chiếc đã được sơn vàng, đính hoa, ông Truyện nói: “Làm sẵn như vậy chúng tôi mới đỡ lo. Mình phải làm cho đẹp, không bằng ở tiệm thì cũng phải một tám một mười”.

Ông Truyện kể, khoảng 10 ngày trước, cháu bé 3 tháng tuổi nhà ông Tám Tri bị bệnh, tử vong ở bệnh viện. Ông Truyện và 3 người thợ phụ đóng ngay một chiếc tiểu để gia đình chôn cất cháu trong đêm. Ông Nguyễn Ngọc Oanh ở ấp Mỹ An 2 nói: “5 tháng trước, tôi cũng đến xin hòm từ thiện để chôn cất cha tôi. Nhà tôi túng thiếu, may mà được bà con giúp đỡ”. Ngoài thị trường, giá hòm trên 1,8 triệu đồng/chiếc.

Gỗ làm ván là những cây xoài, cây còng thu mua trong xã bằng tiền của người dân đóng góp. Các ông Nam Dình, Phạm Văn Bảy, Lê Văn Lương… thường tặng cây. Mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn ở ấp Mỹ An 2 tặng một cây còng cổ thụ, đóng được 5 chiếc hòm. Nhiều người bán gỗ chỉ lấy giá một nửa so với giá thị trường. Một số gia đình khá giả cũng đến xin hòm từ thiện và đóng góp hàng chục triệu đồng cho trại hòm.

Trung bình mỗi ngày, trại hòm đóng xong 1 chiếc hòm, lúc nhiều nhất có 15 chiếc hòm làm sẵn. Những gia đình không có tiền chuyên chở, chỉ cần gọi điện, hòm sẽ được đưa đến tận nhà. Trại hòm còn giúp đỡ chiếu, khăn, đồ tang… “Có những cụ già nghèo kêu con cháu chở đến dặn hòm trước và nói chúng tôi đã yên tâm sống tiếp những ngày cuối đời”, ông Thương kể.

Ông Lê Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, nói: “Nghĩa địa và trại hòm từ thiện của ông Nguyễn Văn Thương là một nghĩa cử đối với người nghèo. Nhờ đó cũng giúp xã giải quyết khó khăn trong thời gian chờ xây nghĩa trang mới”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.