Lễ hội phản chiếu nhân tâm xã hội

Lễ hội phản chiếu nhân tâm xã hội
TP - Lễ hội vốn có nhiều nét đẹp, song ngày nay lễ hội đang có nhiều vấn đề, nhiều mặt trái. Lễ hội cũng là tấm gương phản chiếu nhân tâm của xã hội. TS Ngô Đức Thịnh, GĐ Trung tâm nghiên cứu, văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nói.

> Tội ác 'nảy sinh' mùa lễ hội

GS-TS Ngô Đức Thịnh
GS-TS Ngô Đức Thịnh.

Lễ hội hiện nay đang đứng trước thực trạng đơn điệu hóa giống nhau quá, lễ hội làng này giống với làng kia, tỉnh này giống tỉnh nọ. Như vậy thì người ta chỉ cần xem lễ hội một làng thôi, không cần xem làng kia nữa. Như thế rất phản văn hóa.

Lễ hội cũng đang bị trần tục hoá. Ngày xưa, người dân đến với lễ hội với tinh thần thành kính, tri ân trong sáng. Bây giờ người ta đến với lễ hội với tất cả sự thực dụng, cầu xin khấn vái. Rồi người tổ chức lễ hội cũng rất thực dụng. Thành ra, lễ hội mất thiêng.

Bên cạnh đó, lễ hội cũng đang bị thương mại hoá. Nhiều nơi tổ chức lễ hội chỉ nhằm kiếm chác, tìm cách chặt chém, làm sao được lợi. Người đến lễ hội thường cầu cúng xin xỏ chứ không phải để chiêm tưởng.

Một thực trạng cần lên tiếng nữa là lễ hội đang bị “nhà nước hóa”. Chính quyền địa phương can thiệp vào lễ hội nhiều quá. Chẳng hạn như ở lễ khai ấn đền Trần, chính quyền đứng ra tổ chức đóng ấn. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, những lễ hội bị biến thái chủ yếu do sự can thiệp thái quá của chính quyền.

Trong một số lễ hội còn diễn ra những màn tuyên truyền không phù hợp như lễ hội Gióng ở Sóc Sơn, ông chủ tế ở đây lại đứng ra báo cáo thành tích sinh đẻ có kế hoạch.

Theo GS, cần làm gì để thay đổi những thực trạng đáng buồn về lễ hội đó?

Sau ba bốn thập niên, chúng ta bị đứt đoạn về văn hoá do nhiều lý do khách quan, con người hôm nay hầu như chưa được trao truyền những hiểu biết về văn hóa tâm linh của cha ông. Họ đến với lễ hội với nhiều mê lầm.

Đi chùa lễ Phật nhiều có khi lại thể hiện một sự khủng hoảng lòng tin. Khi con người ta bơ vơ, mất niềm tin thì rất dễ bị lợi dụng. Lễ hội cũng là tấm gương phản chiếu nhân tâm của xã hội” - GS - TS Ngô Đức Thịnh.

Nhiều người cứ thấy đền chùa lễ hội là lao vào cúng bái như con thiêu thân chứ không hề biết đến lịch sử văn hoá của nơi mình cúng vái. Vì thế phải làm cho người dân tìm lại sự hiểu biết thấu đáo về đời sống tâm linh dân tộc, về những nét lịch sử, văn hóa, và triết học của lễ hội.

Một điều quan trọng là cần trả lại lễ hội cho người dân. Nếu để người dân đứng ngoài, trở thành người chứng kiến, đứng xem lễ hội thì sẽ không thành lễ hội đúng nghĩa. Hãy để người dân được làm chủ lễ hội của họ và đừng tước đoạt của họ nhu cầu đó.

Nhưng lại có hiện tượng một số nhà nghiên cứu, đã phục dựng lễ hội không đúng nguyên bản mà theo “đơn đặt hàng” của địa phương, nhằm mục đích thương mại?

Đó là hiện tượng có thật. Ví dụ như đền Trần và lễ hội tịch điền được phục dựng không đúng như lịch sử. Và đó là một sự xâm lăng văn hoá. Người ta đưa tinh thần thực dụng vào lễ hội. Có những địa phương đã “sáng tạo” ra những lễ hội mà trong lịch sử gần như không có.

Việt Nam có khoảng 9.000 lễ hội, phải chăng là quá nhiều?

Nói nhiều hay ít cũng khó, vì mỗi lễ hội có một ý nghĩa riêng. như Hội Đền Hùng là lễ hội trở về với cội nguồn, Hội Gióng là lễ hội trở về với chiến công của dân tộc, Hội Chùa Hương là sự trở về đất Phật, với thiên nhiên... Rồi hội làng gắn với sự linh thiêng của Thành Hoàng làng... Mỗi làng có một thiết chế văn hóa, Nhân dân rất gắn bó với hội làng mình, về đó, họ được tham gia vào một cộng đồng gắn bó.

Nhưng vấn đề là các hội làng ngày càng bị đơn điệu hóa thưa ông?

Vấn đề là phải tạo ra bản sắc cho lễ hội, tạo ra sự đa dạng, tính độc đáo của hội làng “chiêng làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Các lễ hội không nhất thiết phải khôi phục nguyên xi, nhưng phải giữ cho được nét đặc sắc, tâm linh vốn có. Trong đời sống nông thôn lam lũ và buồn tẻ thì hội làng là thời điểm bừng sáng. Vì thế không nên bỏ hội làng.

Con số 9.000 lễ hội đó thực ra bao gồm nhiều lễ hội mới du nhập, lễ hội mới sáng tác. Oái oăm và phi văn hóa là việc gần đây mọc lên những công ty chuyên tổ chức lễ hội ở một số địa phương. Đó toàn là những lễ hội mới!

Vì sao lễ hội nhiều, người dân đi chùa lễ Phật nhiều nhưng cái ác trong xã hội vẫn tăng?

Vai trò của tín ngưỡng, tâm linh là hướng thiện, tránh điều ác. Nhưng không có nghĩa là người ta đi chùa chiền lễ hội cúng vái nhiều là không có tội ác. Cái ác có trong xã hội và xuất hiện do nhiều yếu tố. Đi chùa lễ Phật nhiều có khi lại thể hiện một sự khủng hoảng lòng tin. Khi con người ta bơ vơ, mất niềm tin thì rất dễ bị lợi dụng. Lễ hội cũng là tấm gương phản chiếu nhân tâm của xã hội.

Xin cảm ơn ông.

Phùng Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG