Trả lại tiếng thơm cho con đò ca Huế

Trả lại tiếng thơm cho con đò ca Huế
TP - Ca Huế là loại hình ca nhạc thính phòng, ngày trước chủ yếu phục vụ trong hoàng cung, vương phủ, dinh thự nhà quyền quí. Không rõ ai là người đầu tiên đưa ca Huế xuống đò, và xuống đò từ khi nào?

Dịch vụ ca Huế trên sông Hương vẫn lộn xộn

Thời cực thịnh của ca Huế có lẽ là dưới các triều vua từ Minh Mạng đến Tự Đức. Thời kỳ này văn hóa truyền thống Huế phát triển rực rỡ, đất nước thanh bình. Hòa bình là gốc của nhạc, Nguyễn Trãi nói như thế.

Tôi đoan chắc như vậy vì vị khách đa tình và hào hoa nhất của các ca kỹ trên sông Hương là Nguyễn Công Trứ (1778-1858). Ba mươi năm quan trường ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như: Dẹp Phiên tặc, hải tặc, chống tham nhũng, đắp đê, lấn biển mở ra hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Cầm quân như danh tướng, làm quan đến hàm Tổng đốc, Thượng thư, vung bút xứng danh thi bá, và chơi chẳng kém ai. Thời trai trẻ còn ở quê Nguyễn Công Trứ đã chơi tới độ “thuyền quyên ứ hự”. Khi thượng kinh, đêm đêm cụ Thượng Trứ mê thú vui xuống đò nghe ca Huế, trở thành tay chơi nổi tiếng với bài tự trào: Sông Hương một chiếc thuyền con/Một cô ca kỹ một quan đại thần/Ban ngày quan lớn như thần/Ban đêm quan lớn tần mần như ma/Ban ngày quan lớn như cha/Ban đêm quan lớn rầy rà hơn con.

Ca Huế vốn là ca tri âm. Ngày trước xuống đò nghe ca Huế là thú chơi tao nhã, có khi thâu đêm suốt sáng chứ không phải nghe tập thể theo từng sô diễn tập thể giới hạn trong 60 phút như bây giờ. Tuổi hai mươi Văn Cao đã vào Huế. Không rõ ông xuống đò nghe ca Huế bao nhiêu đêm mà để lại bài thơ nổi tiếng: Em cạn lời thôi anh dứt nhạc/Biệt li đôi phách ngó đàn tranh/Một đêm tàn lạnh trên sông Huế/Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.

Thơ mới, từ những ngày đầu chúng ta bắt gặp những ngón đàn điêu luyện của ca kỹ nỉ non cùng lời than vãn về cuộc đời bất hạnh, đồng cảm với nỗi uất hận của kẻ sĩ đương thời trong thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nam Trân… Sông Hương trong Tiếng hát Sông Hương của Tố Hữu không còn là danh từ riêng, là địa chỉ cụ thể mà đã trở thành “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương”, được hình tượng hóa, được hóa thân vào muôn vàn số phận, nỗi lòng. Tao nhân mặc khách xuống đò nghe ca Huế không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn để lại dấu ấn thời đại trong thi ca.

Cuộc sống xô bồ hôm nay đã làm ca Huế trên sông Hương xuống cấp, biến dạng. Phục hồi nguyên bản thì giá trị nghệ thuật sẽ nâng cao, ca Huế sẽ thăng hoa. Có thời điểm dịch vụ ca Huế trên sông Hương cung không đủ cầu nên lộn xộn, chất lượng kém, du khách phàn nàn, báo chí phê phán gay gắt, cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh.

Sau 1975, người đưa ca Huế trở lại với sân khấu nổi trên sông Hương là nhà thơ Võ Quê. Võ Quê cũng là người dẫn chương trình ca Huế hay nhất, có hồn nhất, ứng xử linh hoạt nhất, có thể làm thỏa mãn mọi đối tượng du khách xuống thuyền nghe ca Huế. Đầu thập niên 1980 sau khi thành lập Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng sinh hoạt định kỳ, anh bắt đầu thử nghiệm những cuộc chơi, những bữa đãi bạn nghe ca Huế trên sông. Cuối thập niên 1980, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, dịch vụ ca Huế trên sông Hương phát triển. Chiếc đò đầu tiên cho thuê làm dịch vụ ca Huế là của anh Đới, xuất thân làm nghề khai thác cát sạn trên sông. Tiền cho thuê đò một sô ca Huế bằng thu nhập của cả gia đình anh một ngày vất vả với nghề ngụp lặn xúc cát sạn trên sông. Chưa đầy 10 năm sau, dịch vụ này nở rộ, từ chiếc đò ban đầu gia đình anh Đới đã phát triển lên năm chiếc. Nhà thơ Võ Quê nói vui: Đò anh Đới là “đời anh đó”!

Ca Huế lúc thịnh lúc suy. Ca Huế bây giờ thịnh về khán giả, doanh thu nhưng suy về nghệ thuật. Các nhà quản lý văn hoá Huế cần có giải pháp để trả lại tiếng thơm cho con đò ca Huế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG