Từ một vụ án mại dâm mà cơ quan chức năng bắt được quả tang, nội bộ doanh nghiệp chị rối tung. Thu Minh bị tố cáo là tiếp tay cho người nước ngoài chạy án và o ép người lao động Việt Nam; bị vu cáo cho tội lập quỹ trái phép, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân…
Tìm cách biện minh giải oan cho mình và chống lại cái xấu chị phải chống chọi lại với Phó Tổng Giám đốc liên doanh Lê Đạt. Một kẻ xảo trá, tham lam, dâm đãng… - chủ mưu của sự việc, đang được xem là anh hùng chống tiêu cực.
Đó là tình cảnh của Thu Minh – nữ nhân vật chính trong tiểu thuyết “Giã từ”. "Giã từ" là tác phẩm mới nhất của nhà văn Phạm Việt Long, do NXB Dân Trí ấn hành; một trong số 51 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
“Giã từ” phản ánh một giai đoạn chuyển mình của đất nước, từ chế độ quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước. Câu chuyện xoay quanh hoạt động của tập đoàn Tri thức trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2006. Trong quá trình liên doanh với nước ngoài và quá trình đổi mới doanh nghiệp, tại tập đoàn này đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tiến bộ và bảo thủ, giữa cái tốt và cái xấu.
Dù đi vào khai thác đề tài không mới nhưng tính thời sự của vấn đề mà cuốn tiểu thuyết phản ánh vẫn còn nóng hổi. Nhà văn Ma Văn Kháng xem đây là một “tiểu thuyết phóng sự”.
“Giã từ” là một tiết đoạn trong bức tranh sống động hôm nay, một giai đoạn kỳ thú mà văn chương có thể và cần phải đem hết sức mình để miêu tả... Tính chất phóng sự của cuốn tiểu thuyết! Nói vậy là có ngụ ý về sự hạn chế của sức khái quát, về hình bóng phôi thai của “cái thật” trong đời sống đang còn có chỗ rõ nét trong mỗi trang sách; tuy vậy, mặt khác nói vậy cũng lại giống như một gợi mở về tính xác thực, sự gần gụi mộc mạc, chưa cần đến gọt rũa, điểm tô, đắp bồi của các trang viết về cái phần đời sống thực đang hiện hữu ở lúc này, ngày hôm nay; để rồi một lần nữa nhận ra: đây chính là một mặt mạnh riêng của nhà văn Phạm Việt Long, nếu độc giả đã từng bị cuốn vào cơn say mê cuốn hút khi đọc “Bê trọc” của anh.” Nhà văn Ma Văn Kháng viết.