> Nên in lại sách trắng về Trường Sa và Hoàng Sa
> Giàu lên từ Hoàng Sa, Trường Sa
Đầu quân cho kênh VTC 14 (Kênh chuyên về các vấn đề môi trường, thiên tai và thảm họa) chưa đầy hai năm, Đinh Minh Hoàng tự hào khoe mình đã đặt chân lên hầu hết các vùng đất của Tổ quốc từ đỉnh núi Hoàng Liên Sơn cho tới rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng. Các phóng sự, phim tài liệu của Hoàng phần lớn mô tả các hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ở Việt Nam. Hoàng kể, chỉ vì một phóng sự về cây samu dầu lớn nhất Việt Nam, anh và đồng nghiệp phải lặn lội vào vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An để thực hiện. Đối với Hoàng, được đi là được trải nghiệm và được làm những điều mình thích. Tuy nhiên, chuyến đi tới Hoàng Sa là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời.
Mẻ các nục đánh bắt ở bãi đá ngầm Mác Lê Phiên - đông nam Hoàng Sa. |
Được sự phân công của lãnh đạo Đài, Hoàng đã lên đường trong phấn khích và lo âu. Anh nghĩ, từ trước tới giờ rất ít có bộ phim nào của Việt Nam nói về Hoàng Sa. Điều này càng kích thích anh. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên và công việc đánh cá là những yếu tố dễ khiến con người nản lòng. Trước khi đi, Hoàng xác định phải hoàn thành tốt bộ phim cho dù có gặp tình huống xấu. Chàng trai miền trung du Phú Thọ chỉ thông báo với gia đình rằng anh đi công tác, chứ không nói đi đâu. Để đề phòng bất trắc, anh xin giấy giới thiệu của Liên minh hợp tác xã với tư cách cán bộ đi khảo sát. Để làm quen với nghề cá, Hoàng mất khoảng 10 ngày lang thang ở làng chài dọc bờ biển Đà Nẵng học cách giã cào. Rồi anh lân la làm quen với các ngư dân và xin được đi theo tàu. Chuyến đi đầu tiên phải quay về vì biển động. Không nản lòng, anh nán lại cho tới khi thời tiết thuận lợi và thực hiện được những thước quay quí hiếm trên con tàu Đna 90369 trong suốt 25 ngày lênh đênh trên biển.
Ngóng chờ cá đến. |
Đinh Minh Hoàng sung sướng với chú cá mú đỏ - loại cá quý hiếm vừa câu được ở Hoàng Sa. |
Khi được hỏi về kinh nghiệm đi biển, Hoàng cho biết, anh cũng đã hỏi các ngư dân, nhưng họ chỉ trả lời gọn lỏn: Cứ đi khắc biết. Quả thật, những ngư dân đi biển thật giản đơn. Có lẽ, họ đã quen và cũng coi đó là một công việc hết sức bình thường, chả cần đến thuốc chống say. Hoàng đã thực hiện phóng sự này vào tháng 8-2010. Cảnh quay mẻ lưới giăng đầy, đàn cá heo mắc bẫy, hay công việc thường nhật của các ngư dân trên tàu, cảnh tàu phải bẻ ngoặt hướng lái vòng qua quần đảo Hoàng Sa mới tới được ngư trường là những cảnh quay hiếm có. Hoàng vẫn nuối tiếc rằng nếu có máy quay chuyên dụng, anh sẽ nhảy xuống biển quay cảnh mẻ cá được mang lên từ dưới mặt nước. 25 ngày trên biển đã được trau chuốt thành bộ phim tài liệu có thời lượng hơn 25 phút. Phim đã được phát sóng trên đài truyền hình kỹ thuật số VTC vào tháng 12-2010. Sau khi tham dự Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2010 tại Cần Thơ, bộ phim đã được đánh giá cao trong giới truyền hình và được đài truyền hình của 63 tỉnh, thành xin được phát sóng lại.
Vất vả là thế, nhưng khi hỏi Hoàng có muốn đi Hoàng Sa một lần nữa không, mắt anh vẫn sáng lên: Có chứ. Anh dự định sẽ cùng ngư dân đi câu mực ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng sang tới tận vùng biển gần Đài Loan và Philippines.
Hoàng Sa mùa cá bạc nói về cuộc sống và lao động của ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa. Niềm vui, nỗi buồn cùng mẻ lưới dây câu. Những hiểm nguy đến cả từ phía thiên nhiên và cả những thế lực không muốn người Việt thường xuyên có mặt tại Hoàng Sa. Vượt qua tất cả: Cờ Tổ quốc luôn tung bay trên vùng biển Hoàng Sa. Thông điệp của phim: Tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ những việc làm đơn giản nhất. Trong quá trình thực hiện phim này, vì nhiều yếu tố khác nhau nên chỉ có một mình phóng viên Đinh Minh Hoàng theo tàu 25 ngày trên biển, tự mình quay phim bằng camera du lịch. |