Ngắm hoa anh đào ở Hà Nội

Ngắm hoa anh đào ở Hà Nội
TP - Hai trăm cành hoa anh đào xuất hiện tại trung tâm sân Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), cùng nhiều hoạt động nghệ thuật trong lễ hội Genki 2011 được xem như nguồn động viên người dân xứ mặt trời mọc.
Hoa anh đào trước khi trưng bày tại lễ hội Genki Ảnh: Javicon
Hoa anh đào trước khi trưng bày tại lễ hội Genki Ảnh: Javicon.

Ngày 14-4, 200 cành hoa anh đào được tuyển lựa kỹ từ Nhật Bản về tới Việt Nam. Javicon, đơn vị trực tiếp lo việc tổ chức, đảm trách nâng niu số hoa này, trước khi trưng cho công chúng thưởng lãm trong hai ngày 16, 17-4. Chị Diệu Linh, thành viên BTC nói: “Hoa anh đào vốn sớm tàn nên phải bảo quản kỹ. Sau khi vận chuyển 200 cành về Việt Nam, hoa được để trong phòng lạnh, cành hoa ngâm trong xô nước có đá để giữ cho tươi lâu.

Cứ mỗi tiếng một lần phải kiểm tra độ ẩm trong phòng, không được tưới trực tiếp lên hoa mà chỉ phun nước vào không khí. Đêm cũng phải cắt cử người chăm hoa”. 200 cành hoa anh đào được ghép vào gốc cây đặt trung tâm lễ hội.

Về phương án bảo vệ hoa, BTC cho biết: “Ngoài lực lượng đảm bảo an ninh chung, có một đội tình nguyện đứng quanh gốc hoa anh đào, nhắc nhở khách”.

Theo BTC, sự kiện sóng thần, động đất ở Nhật ảnh hưởng khá lớn đến lễ hội. Một số thành viên đội múa Yosakoi hủy lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên, tinh thần “Vì nước Nhật thân thương” không sút giảm. Những người tổ chức lễ hội nói càng quyết tâm tổ chức lễ hội Genki ý nghĩa, hi vọng hai ngày hội vừa giúp người Việt hiểu thêm vẻ đẹp của văn hóa Nhật, và là dịp hướng về nước Nhật kiên cường.

Múa Yosakoi lôi cuốn nhiều người tham dự chính nhờ nụ cười của người múa. Học múa Yosakoi là học cách mỉm cười, thể hiện hạnh phúc trong các màn biểu diễn ở lễ hội. Mỗi đội múa tạo phong cách riêng, từ trang phục, sáng tác ca khúc và cải tiến đạo cụ múa. Nghệ thuật ấy ngày càng lan tỏa ở Việt Nam. Bên cạnh bốn đội múa Nhật Bản, có khoảng 500 tình nguyện viên Việt múa Yosakoi tại lễ hội Genki 2011.

Diễn ra trong hai ngày 16, 17-4 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, lễ hội Genki cho người dự hội thưởng thức không gian văn hóa Nhật: Cosplay (hóa trang theo phong cách manga), kiếm đạo, nghệ thuật gấp giấy, cờ vây, truyện tranh, trò chơi dân gian.

Không tổ chức đêm từ thiện, BTC quyết định đan xen kêu gọi hành động vì nước Nhật với các hoạt động khác. Trước khi diễn ra lễ hội, một số đơn vị liên hệ với BTC góp lòng hảo tâm. Trong hai ngày, BTC đặt hòm quyên góp. Chưa kể một phần doanh thu từ các gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, trò chơi truyền thống... gửi về Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam, chuyển đến nhân dân Nhật gặp nạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG