Điện ảnh: Vẫn những căn bệnh cũ

“Khát vọng Thăng Long” - điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2010
“Khát vọng Thăng Long” - điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2010
TP - Lại mùa giải Cánh Diều và chỉ cần xem hơn chục phim tranh giải là có thể khái quát bức tranh điện ảnh trong năm. Năm nay, chỉ có hai điểm sáng 'Cánh đồng bất tận', 'Khát vọng Thăng Long'. Lễ trao giải Cánh Diều diễn ra tối 13-3 ở Nhà hát Hoà Bình TPHCM.

>> Lạ kỳ 'Giao lộ định mệnh'

“Khát vọng Thăng Long” - điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2010
“Khát vọng Thăng Long” - điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2010.

Nhảm - Nhạt - Giả

Cô dâu đại chiến mở đầu và kết thúc đều bằng cảnh: Trong đám cưới của anh chàng do Huy Khánh thủ vai, bỗng xuất hiện bốn cô gái cũng vận đồ cô dâu, lăm lăm hung khí, xông tới đòi hạ thủ chú rể. Cứ tưởng cơn ác mộng của nhân vật chính, hoá ra đời thật, và cứ thế cứ thế, các nhân vật nhảy xổ vào nhau hết trường đoạn này trường đoạn khác.

Đời thật hay cường điệu, hay giả tưởng cũng được nhưng phải có logic của vấn đề. Huy Khánh từ đầu đến cuối phim chỉ có mỗi việc nhăn nhó khuôn mặt một cách thảm hại, cũng chả có mẹo mực gì để tán gái. (Sở Khanh cũng phải có mánh mung mới mong lường gạt).

Các cô cũng hệt nhau - váy ngắn cổ khoét sâu, thoại thì quanh quẩn chỉ có “anh có yêu em không, mình đi chơi nha” - với nhà, xe, phục sức bóng lộn nơi nhà hàng, vũ trường, sân bay.

Xem xong phim ở phòng chiếu Hội Điện ảnh, có người thở hắt ra: “Nghe nói doanh thu 30 tỷ đấy, phim chiếu Tết mà”. Cô dâu đại chiến (đạo diễn Victor Vũ, BHD sản xuất) và Thiên sứ 99 (đạo diễn Nguyễn Minh Cao, hãng Phước Sang sản xuất) có thể coi là đại biểu của dòng phim Tết nhảm nhí, hời hợt, xem căng như dây đàn bởi phi lý từ đầu đến cuối.

Xem đến nửa phim Hoa đào (biên kịch Hồng Ngát, đạo diễn Nguyễn Thế Vinh, Hãng phim truyện I) đố khán giả biết phim định kể gì. Gìn giữ bản sắc văn hoá chăng? Loanh quanh với cành đào trên phố và cái vườn đào ở Hà Nội, các nhân vật cứ lơ ngơ trồng cây, đạp xe, tắm, lại có cả anh Tây ngọng nghịu “yêu vườn đào Hà Nội” cùng vào hùa đánh đố khán giả.

Nhìn ra biển cả (biên kịch Hồng Ngát, đạo diễn Vũ Châu, Hãng phim Hội Điện ảnh) khai thác tuổi trẻ của Nguyễn Tất Thành giai đoạn dạy học ở Phan Thiết, không làm sao lột tả được cốt cách của Người. Nhân vật đóng Nguyễn Tất Thành lồng tiếng giọng kim, nhấn nhá từng chữ, miệng lúc nào cũng nở nụ cười. Kính chẳng bõ phiền, phim về lãnh tụ nhưng làm một cách giả tạo, bất lực, gây phản cảm, thử hỏi có nên?

Tây Sơn hào kiệt gây ấn tượng nghiệp dư trong các khâu, nhưng dù sao cũng thể hiện nhiệt tâm của người làm phim tư nhân mong có bộ phim nghiêm chỉnh. Xem thấy nuối tiếc thời huy hoàng đã qua của Lý Huỳnh (tổng đạo diễn), Lý Hùng (đạo diễn, diễn viên chính). Còn những phim được nhà nước đặt hàng như Vượt qua bến Thượng Hải, Nhìn ra biển cả, Hoa đào - có khán giả mới lạ.

“Cánh đồng bất tận” - điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2010
“Cánh đồng bất tận” - điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2010.

Diễn xuất: Nghiệp dư

Dustin Nguyễn có thể hút thuốc hơi nhiều trong Cánh đồng bất tận, và có cảnh kêu “trời” ồn ào, thừa thãi ở cuối phim nhưng dù sao vẫn chuyên nghiệp từ ánh mắt cho đến động tác nhai cơm lúc đang có tâm trạng. Hải Yến cũng thế. Ngược lại, đầy gương mặt nghiệp dư đang chiếm lĩnh màn ảnh trong Nam ngoài Bắc.

Những gương mặt này, tôi đã thấy họ hào nhoáng ở thảm đỏ của những Liên hoan phim Việt Nam (12-09), LHP quốc tế Hà Nội

(10-2010) và sẽ tiếp tục hào nhoáng ở lễ trao giải Cánh Diều tối 13-3 ở Nhà hát Hoà Bình.

Họ là hoa hậu, người mẫu, hot boy hot girl, vũ công hip hop ngoài đời, và không thể biến hoá được thành nhân vật trong Tây Sơn hào kiệt, Cô dâu đại chiến, Thiên sứ 99, Vũ điệu đam mê. Sophie Coppola - con gái của Francis Ford Coppola - đạo diễn Bố già lừng danh, được bố cho một vai nhỏ trong Bố già phần 3, diễn dở, bị báo chí đập te tua khiến cô bỏ chạy vĩnh viễn khỏi nghiệp diễn xuất và chuyển sang nghề đạo diễn thành công. Giá mà báo chí ở ta cũng quyền lực như vậy và diễn viên tự trọng đến thế.

Xem Minh Hải, Minh Đức đóng Bác Hồ, nghĩ chẳng biết bao giờ mới lại có được một Tiến Hợi ít ra về ngoại hình, chất giọng, thần thái. Cách tiếp cận vấn đề và nói chung phim về lãnh tụ của ta - từ thuở Đồng Thu Hà đóng vai người yêu Bác trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, qua hơn hai chục năm, cho đến Nhìn ra biển cả (chị thủ vai mẹ của bạn Nguyễn Tất Thành), vẫn không nhích được bước nào nếu không muốn nói là thụt lùi.

Đạo, ẩu

Giao lộ định mệnh chỉ là bê bối đạo phim số 1 của điện ảnh Việt Nam năm qua, không phải hiếm và sau đây ắt không có chuyện hết hẳn. “Vô liêm sỉ” là từ mà một nhà báo dùng sau khi xem phim gốc Shattered và phim đạo Giao lộ định mệnh, ở Hội Điện ảnh hôm 4-3.

Cô dâu đại chiến - cũng do Victor Vũ đạo diễn, được nhiều báo lăng xê phim ấn tượng, diễn viên thú vị - là mớ hổ lốn copy phim Mỹ - một tí Alfie (Tay chơi hết thời), một tí Hồn ma bạn gái cũ, cả phim khác nữa.

Có đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng và đạo diễn phim truyện lại còn có vẻ khát thèm cách của Victor Vũ: “Nó là Việt kiều Mỹ nên học được mánh của Mỹ, tay nghề được đấy chứ”. Xin thưa một khi đã thuổng nguyên xi kịch bản thì sá gì không xẻo mảng này miếng kia trong khi quay, dựng, làm nhạc, vân vân.

Xem xong Vượt qua bến Thượng Hải, phóng viên báo Văn Hoá phát hiện ra: Một đoạn dài nhạc phim giống hệt nhạc nền, lặp đi lặp lại của Vết thương lòng - phim truyền hình dài tập đang phát trên ti vi.

Chị thắc mắc với Triệu Tuấn đạo diễn của phim, lúc đầu anh trả lời không biết, người khác chọn nhạc. Sau khi tìm hiểu thì hồn nhiên giải thích: “À, vì nhạc sĩ của phim này cũng là người làm nhạc Vết thương lòng mà”. Vượt qua bến Thượng Hải do nhạc sĩ Việt Nam và Trung Quốc cùng soạn nhạc.

Một bộ phim về lãnh tụ, được nhà nước đầu tư kinh phí lớn, lại dùng lại nhạc của một bộ phim có nội dung hoàn toàn khác về hai chị em thù oán nhau, có phải là ẩu hay không? Nhiều nhạc sĩ của ta cũng có thói quen bê sẵn nhạc ca khúc của mình vào phim, trong một bộ phim mà dạo hết bài này bài khác, chỉ chuyển từ nhạc có lời thành nhạc không lời mà thôi.

Từ lâu rồi khán giả tinh ý đã chỉ ra phim này phim nọ của các đạo diễn trẻ “đang lên” thuổng của Mỹ. Như Giải cứu thần chết giống Cô gái lắm chiêu, Nhạc kịch trường học. v..v... Phim của Vũ Ngọc Đãng cũng thế. Nhưng rồi vẫn có những khán giả cứ đến Tết, vì là Tết, không tiếc tiền vào rạp. Chả thế mà chuyên gia boóng phim mới mạnh miệng tuyên bố “Tôi chỉ kiếm nốt 30 tỷ là đủ 100 tỷ cho điện ảnh Việt Nam”.

Không có tác phẩm hoàn chỉnh

Cánh đồng bất tận dễ xem nhất mùa giải năm nay nhưng ngôn ngữ điện ảnh vẫn chưa phải là điểm mạnh của phim này, hay dùng câu kể, câu thoại thay cho hình ảnh, và mắc bệnh “nói rốt ráo, sát ván”, sợ khán giả không hiểu. Ví dụ: Sau chặng dài đối xử nghiệt ngã với con cái, Út Võ có biểu hiện đổi tính, xé bỏ lá thư tuyệt tình của vợ, trao chiếc nhẫn vợ để lại cho con gái.

Út Võ ngồi xuống bên Nương, lồng chiếc nhẫn vào ngón tay con: “Con cất đi để mai này lấy chồng”. Kết thúc cảnh này vậy đủ rồi, nhưng đạo diễn còn để Nương ngước nhìn bố một hồi rồi nói “Giá mà mười mấy năm qua tía cũng được như vậy”! Cảnh cuối là một cảnh khó - khá bạo lực, đau đớn, cuối cùng diễn ra khá trơ trên một bãi đất trống. Xem phim Việt Nam cứ thấy thiếu thiếu, khó thoả mãn là vì vậy.

Khát vọng Thăng Long có được sự hào hùng, sự nghiêm ngắn - nói như biên kịch Chu Lai “cái gì ra cái đấy” nhưng kịch bản còn sơ lược nên cũng như Cánh đồng bất tận, Chu Lai phát biểu anh chỉ “thích vừa vừa”. Tuy nhiên vị giám khảo này lại khá xuề xoà khi cho rằng Vũ điệu đam mê - phim về trào lưu giới trẻ học hip hop (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), là bộ phim cảm động!

Bởi vậy chọn ra một phim hoàn chỉnh của năm - thời khá khó nhưng dở thì nhanh thôi. Năm nay, không kể những phim không tranh giải như Em hiền như ma - sơ, Bóng ma học đường, nếu có giải Cánh diều ngược, thì đứng đầu đề cử là: Thiên sứ 99, Cô dâu đại chiến, Hoa đào, Nhìn ra biển cả. Phim Tây Sơn hào kiệt mặc dù diễn viên được giải Mai Vàng nhưng nhìn chung không phải điện ảnh. Và đa s

ố phim Việt Nam không phải là điện ảnh nếu hiểu điện ảnh phải mang lại ấn tượng, cảm xúc và thậm chí bài học nhân văn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.