Từ câu chuyện ấn Đền Trần

Từ câu chuyện ấn Đền Trần
TP - Theo một số sử gia, lễ khai ấn đền Trần rạng sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch là nghi lễ đánh dấu ngày đầu tiên triều đình chính thức trở lại sau kì nghỉ Tết dài. Nên nếu hiểu rằng đây là lễ vua ban ấn cho quan và dân chúng là chưa chính xác.

 >> Tan hoang sau ngày khai Ấn

Ngày đó, việc khai ấn được tổ chức trang trọng vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và chỉ diễn ra ở bảy làng xung quanh kinh đô cũ, không phải cả tỉnh Nam Định hay cả nước như bây giờ.

Đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc tồn tại của lễ hội đền Trần. Nhiều người cho rằng cần dẹp bỏ lễ hội này, người khác lại bảo chỉ nên đóng một ấn duy nhất làm đại diện. Rồi hằng năm lấy ấn ra khai là không đúng với lịch sử và lễ nghĩa. Bởi ngày xưa chỉ có vua- người đứng đầu cả nước mới có quyền khai ấn, và không phải năm nào cũng khai ấn- để phát hàng loạt cho dân chúng như bây giờ.

Xưa nay háo danh và mê tín luôn bị lên án. Nhưng có đi dự lễ khai ấn mới thấy hai vấn nạn đó khó mà dẹp bỏ. Vì mong có nhiều lộc, thăng quan tiến chức, nhiều người quyết lấy bằng được một bản ấn với niềm tin mãnh liệt: Có được ấn là có được lộc. Suy nghĩ lạc hậu đó khiến nhiều người chạy theo nỗi cuồng vọng ảo tưởng để quên đi rằng muốn thành công phải đổ mồ hôi bằng nội lực.

Cảnh xếp hàng, chen lấn ở nơi phát ấn gây liên tưởng thời bao cấp với hành động xếp gạch. Rồi cả ngàn người chen lấn xô đẩy, trèo lên đầu nhau, sao tránh khỏi tắc đường? Văn hóa công cộng thấp kém đã trở thành căn bệnh của bộ phận lớn người dân.

Có đi lễ hội mới thấy, không sợ buồn mà chỉ sợ không có tiền. Thực khách tha hồ chọn lựa món ăn- từ thú rừng cho đến hải sản; tửu khách có rượu cần dân tộc cho tới bia tươi nhập khẩu; quan khách thì đã mắt với trung tâm đĩa nhạc Hàn Quốc, phim bộ Hồng Kông. Rồi thử vận với sới bạc đỏ đen di động trong sự thấp thỏm rút chiếu, bùng tiền, chạy công an bất kì lúc nào. Tệ nạn không thể chỉ dẹp bỏ từ một phía- người bán, mà còn từ phía người mua.

Hàng trăm người bị ngã, bị ngạt ở đền Trần đa phần là dân thường. Người sang thì tranh nhau ném tiền vào kiệu rước, xe công thi nhau xếp hàng dọc các lối vào. Một bức tranh nhiều cấp độ về một lễ hội mang đậm tính lợi ích vật chất và mê tín. Không thể không đặt câu hỏi: Những lễ hội mà giá trị văn hóa bị lấn át bởi nhu cầu, lợi ích cá nhân có còn là tín ngưỡng văn hóa truyền thống? Riêng đền Trần, đến lúc đặt nó về đúng giá trị nguyên gốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.