Luận văn vay mượn: Bộc bạch của người trong cuộc

Luận văn vay mượn: Bộc bạch của người trong cuộc
TP - Một cựu học viên Học viện Hành chính Quốc gia đã cắt xén và bê nguyên nhiều phần trong đề tài nghiên cứu của một đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, nơi ông đang công tác, để biến thành luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình.
Luận văn vay mượn: Bộc bạch của người trong cuộc ảnh 1 Luận văn vay mượn: Bộc bạch của người trong cuộc ảnh 2

Trang bìa luận văn của ông Phạm Quang Hưng

Đề tài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Dư luận và công luận từng phiền muộn, lên án mạnh mẽ những trường hợp vay mượn trong học hành, vay mượn trong bằng cấp. Hoàn cảnh nào khiến người ta phải như vậy?

Cóp cả lỗi chính tả

Việc ông Phạm Quang Hưng (Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch) “đạo” đề tài nghiên cứu để làm luận văn thạc sĩ, được một số cán bộ trong Học viện Hành chính phát giác.

Theo tài liệu các PV có, luận văn thạc sĩ của ông Hưng có tên “Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường du lịch bền vững, từ thực tiễn đảo Cát Bà”, được ông Hưng bảo vệ năm 2005, do tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Vụ, cán bộ Học viện Hành chính Quốc gia hướng dẫn.

Luận văn của ông Hưng có quá nhiều nội dung giống hệt đề tài khoa học cấp ngành, thực hiện vào năm 2003, của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (NCPTDL) đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch), với tiêu đề “Xây dựng mô hình về bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng, góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại đảo Cát Bà - Hải Phòng”.

Đây là đề tài do PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện NCPTDL và năm thành viên khác thực hiện, đã được Tổng cục Du lịch nghiệm thu.

Đối chiếu đề tài luận văn thạc sĩ của ông Hưng với đề tài nghiên cứu của Viện NCPTDL, chúng tôi nhận thấy chúng giống nhau tới 90% về nội dung cũng như cách thể hiện. Có những đoạn được “cóp” nguyên xi dài tới gần 20 trang. Thậm chí, nhiều lỗi sai chính tả rất đơn giản, cũng không được sửa trong bản luận văn thạc sĩ!

Phần mở đầu luận văn cũng “trích lược” khá thô bản gốc của đề tài nghiên cứu, với hàng chục dòng được bê gần nguyên xi, chỉ sửa hoặc thêm vài từ.

Chương I của luận văn, tác giả có sửa chữa một vài từ trong các tiểu mục, chia nhỏ các mục, và bổ sung thêm một vài dẫn chứng hoặc đảo vị trí sắp xếp của các box (hộp thông tin).

Các phần còn lại bê nguyên từ bản gốc kéo dài từ trang 8 đến trang 19. Những lỗi chính tả đơn giản như “xắp xếp”, “của ngoan vật lạ”, “tham quan”…  trong bản gốc cũng được cóp nguyên.

Chương II, Chương III của luận văn dài 90 trang cũng có tình trạng cóp nguyên xi hàng chục trang từ bản gốc, như từ trang 37 đến 50, từ trang 51 đến 66, từ trang 69 đến 71. Những phần khác nhau ở những trang còn lại chỉ là rất nhỏ, so với nội dung đề tài nghiên cứu của Viện NCPTDL.

Phần kết luận của luận văn cũng được tác giả “mượn” từ bản gốc, sau khi liệt kê thêm một số tài liệu kham thảo, trích dẫn bên ngoài.

Ông Hưng nói gì?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Quang Hưng thừa nhận đã sử dụng đề tài nghiên cứu của Viện NCPTDL  để làm luận văn thạc sĩ của mình.

Luận văn vay mượn: Bộc bạch của người trong cuộc ảnh 3Tôi cảm thấy khổ lắm. Bây giờ nếu xấu nhất thì mình đành chấp nhận thôi. Tôi thấy mệt mỏi lắm rồi. Nếu không làm ở đây nữa thì tôi ra ngoài kiếm tiền. Tiếc là mình cống hiến lâu quá rồi. Môi trường khắc nghiệt quá. Lắm lúc nghĩ cũng xót xa. Bao nhiêu công mình phấn đấu đổ xuống biển hết.Luận văn vay mượn: Bộc bạch của người trong cuộc ảnh 4 - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Phạm Quang Hưng.

Ông Hưng cho biết, quá trình ông theo học Học viện Hành chính Quốc gia, kết quả học tập tốt. Khi làm luận văn tốt nghiệp, các thầy giáo có đưa ra một loạt chủ đề về quản lý nhà nước, và có gợi ý các học viên chọn đề tài gắn với chuyên môn của mình để dễ viết. Do tính chất công việc, ông không có nhiều thời gian để làm luận văn.

Có những đêm về là phải chuẩn bị để hôm sau đi theo đoàn công tác, dù biết phải chuẩn bị để bảo vệ. Thậm chí “phải chạy loạn lên”, và phải nhờ cả một anh vụ phó làm nốt cho phần thủ tục.

Theo ông Hưng, ông đã hỏi PGS. TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện NCPTDL xin tiếp thu đề tài (bằng bản mềm) để viết vào luận văn cao học. Ông Lương dặn: Đề tài hơi khác một chút, nhưng Hưng cứ lấy, giữ nguyên cái hiện trạng. Cái thứ hai là phần lý luận thì không nói làm gì. Các phần kiến nghị, đánh giá, định hướng, thì Hưng làm theo đúng mục tiêu của đề tài là được. Tuy nhiên, đề tài này khi đó vẫn chưa được nghiệm thu.

Ông Hưng kể tiếp, sau khi xin tiếp thu đề tài, ông có làm luận văn theo hướng khác, chứ không cóp 100%. Điểm khác là ở phần quan điểm, đề xuất và mục tiêu.

Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc bình thường. Chỉ đến năm 2008, có đợt luân chuyển cán bộ đi các tỉnh, ông là một trong số 3 người của Tổng cục Du lịch được chọn, từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề đau đầu. Sau đó người ta bới cả việc ông đạo văn ra. “Cho đến bây giờ, mình mới nhìn lại và thấy cũng có thiếu sót là khi tham khảo mình không ghi rõ”- Ông Hưng nói

Ông Hưng tâm sự: Sau khi vụ việc bị phát hiện, các anh trên Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ cùng với Học viện tìm hiểu, và nói, đại loại việc này không có ảnh hưởng như việc nếu anh vi phạm hình sự, tham nhũng.

“Bọn tôi còn công việc, đi học không phải như học sinh. Chứ còn bảo ngồi viết những đề tài này đối với bọn tôi nó nhỏ xíu. Nhưng tôi cũng muốn làm nhanh, nên phải nhận có thiếu sót trong việc này. Giờ mình nghĩ lại, cái bằng rất tốt nhưng không có không sao, một khi chuyên môn ngấm vào máu rồi”- Ông Hưng nói.

Kỳ sau: Cơ quan liên quan nói gì?

MỚI - NÓNG