Các lĩnh vực chủ yếu của ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam bao gồm: Báo chí, phát thanh, truyền hình, internet; hoạt động xuất bản, in, phát hành; hoạt động sản xuất phim, phát hành phim, chiếu bóng; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, quảng cáo, nhiếp ảnh; hoạt động kinh doanh thương mại các vật tư, thiết bị chuyên ngành văn hóa… |
Hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Cục hợp tác quốc tế, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển lãm 40 năm ngành văn hóa, thể thao, du lịch thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ khẳng định: Xây dựng công nghiệp văn hóa là hướng phát triển mũi nhọn của thế giới trong bối cảnh kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Công nghiệp văn hóa là một cách tiếp cận với tiềm năng văn hóa, mang lại giá trị kinh tế cao…
Ở các nước phát triển, nền công nghiệp văn hóa đã có từ khá lâu nhưng ở Việt Nam đây là vấn đề còn rất mới cả trong nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn. Do đó, các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đệ trình các ý tưởng, đề án hợp lý để triển khai trong đời sống văn hóa Việt Nam…
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGs. Ts Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã đề cập tới 6 vấn đề liên quan tới công nghiệp văn hóa ở nước ta, đó là vấn đề nhận thức; thiếu hệ thống chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển mới; chưa có đánh giá tổng thể thực trạng; hệ thống doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn yếu; chưa có sự đồng bộ trong hỗ trợ sáng tạo và chưa xác định được mũi nhọn phát triển.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng: Công nghiệp văn hóa cần tới nền tảng công nghệ kỹ thuật cao, sáng tạo cá nhân, đặc biệt là của các nghệ sỹ; cần có sự đầu tư thích đáng cho sáng tạo để mang lại lợi nhuận cao, phục vụ sự phát triển của đất nước từ văn hóa, nghệ thuật.