>> Giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới!
>> Lương tâm doanh nghiệp ở đâu?
Độc giả này phải thốt lên như vậy khi đề cập đến việc các hãng sữa đang thi nhau làm mưa làm gió trên lưng các ông bố bà mẹ, mặc nhiên hưởng siêu lợi nhuận (22- 86 phần trăm), mà bất cứ một ngành sản xuất kinh doanh nào khác nằm mơ cũng không thấy.
Có vẻ như, thị trường sữa Việt Nam đang bị một bàn tay vô hình nhào nặn đến méo mó thảm hại, làm biến dạng cả quy luật của kinh tế thị trường, làm oằn lưng biết bao người lao động đang ngày đêm chăm chút cho thế hệ tương lai của đất nước này.
Khẩu hiệu cao đẹp “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” dường như đang bị các hãng sữa lợi dụng tối đa, đánh trúng vào tâm lý dành những gì tốt đẹp nhất cho đứa con yêu dấu của các bà mẹ Việt, để đua nhau quảng cáo, nâng giá sữa ngoại tới mức phi lý”.
Trẻ em Việt Nam chiếm 36 phần trăm dân số, trong đó vẫn còn tới 32,6 phần trăm bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Thu nhập của đại bộ phận dân chúng Việt Nam đang vào hàng thấp nhất thế giới, thử hỏi với giá sữa cao nhất thế giới hiện nay, liệu có bao nhiêu trẻ em nghèo, trẻ em suy dinh dưỡng ở nông thôn và thành thị có cơ hội chạm tay tới ly sữa đắt như vàng kia.
Công luận đã và đang lên tiếng mạnh mẽ về nghịch lý giá sữa, lên án lương tâm và đạo đức kinh doanh của các hãng sữa. Song, như thế chưa đủ, công luận cũng đang đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Ai để cho sữa trong nước liên tục tăng giá (trong khi giá sữa thế giới liên tục giảm)?
Lỗi tại đâu, do hệ thống luật lệ còn sơ hở hay năng lực quản lý yếu kém, do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng hay họ không còn sự lựa chọn nào khác, do liên kết độc quyền hay còn do những mối quan hệ ngầm khác?
Tất cả đang chờ đợi câu trả lời minh bạch, chính xác nhất và hành động quyết liệt của các cơ quan công quyền.
Hôm nay 1/6, ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người tiến bộ, đồng thời cũng là ngày nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn.
Với tinh thần đó, hẳn còn quá nhiều điều cần phải làm, phải sửa, để làm chuyển biến căn bản từ chuyện học hành quá tải, cận thị học đường, chăm sóc sức khỏe đến chuyện thiếu sân chơi, ô nhiễm môi trường, sách truyện thiếu nhi...
Suy cho cùng, câu chuyện giá sữa đâu chỉ còn là của mỗi ông bố bà mẹ, đó phải là vấn đề của lương tâm và trách nhiệm xã hội, vấn đề của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề đáng quan tâm của mỗi đại biểu Quốc hội đang họp hàng ngày tại nghị trường.
Trẻ em hay hãng sữa với lợi nhuận siêu ngạch, cái gì làm nên hình hài một thế giới ngày mai, một Việt Nam ngày mai?