Ông khẳng định, quy chế đào tạo tiến sĩ mới sắp trình Thủ tướng nêu rõ: “Luận văn tiến sĩ phải có tính mới về khoa học, không có là không làm được”.
Tuy có muộn, nhưng cũng thật đáng mừng, “lời hứa” của người đứng đầu ngành giáo dục về chất lượng của học vị cao nhất trong khoa học trước cử tri cả nước đã được dư luận đồng tình ủng hộ.
Muộn vì bấy lâu nay, ngành giáo dục vẫn nhiệt tình sản xuất “bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của riêng mình, và văn bằng này xem như hàng nội địa chỉ tiêu thụ tại nước mình” (nhận xét của GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo).
Muộn vì trong tổng số hàng ngàn tiến sĩ “nội” hiện nay, chắc hẳn có không ít các vị - như dân ta thường gọi - là “tiến sĩ giấy”, tức chỉ có mỗi tác dụng như một thứ giấy thông hành ngọt ngào cho sự thăng tiến chức vụ và quyền lực.
Thế nào là một luận án tiến sĩ đích thực? Theo GS Trần Văn Thọ, nó phải hội đủ 2 yếu tố, đó là tính học thuật (academic) và tính độc sáng (originality) tức là luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.
Vị GS này nhận xét : Nhật Bản đông dân hơn và có thu nhập đầu người gấp gần 70 lần Việt Nam, vậy mà ở nước ta số người có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực quản lý hành chính hoặc kinh doanh nhiều gấp mấy lần ở Nhật. Đó là một hiện tượng dị thường!
Một trong những vấn đề giáo dục mà nước ta đang đối mặt là số lượng tiến sĩ quá nhiều và tiêu chuẩn chất lượng đào tạo tiến sĩ quá thấp.
Có một thực tế là, chừng nào chúng ta vẫn còn xem học vị tiến sĩ là một “tiêu chuẩn” sáng giá cho việc đề bạt các chức vụ quản lý trong bộ máy công quyền, chừng đó những vị “tiến sĩ giấy” (thậm chí học tại chức) còn xuất hiện.
Cái đáng học của những vị này lẽ ra phải là khoa học và nghệ thuật về quản lý, về phẩm chất thanh liêm và uy tín đích thực chứ đâu phải ngạch hàn lâm, học thuật nặng tính phát minh, sáng chế vốn rất âm thầm lặng lẽ và quá hiếm hoi kia.
Chỉ băn khoăn một điều, rồi đây chỉ tiêu đào tạo tới 20.000 tiến sĩ đến năm 2020 của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện ra sao? Song với lời kêu gọi và khẳng định dứt khoát của người đứng đầu ngành giáo dục trước Quốc hội, chúng ta có quyền hy vọng rằng: Thời của những vị “tiến sĩ giấy” đã hết!
Như vậy, có thể coi cuộc “cách mạng” toàn diện trong ngành giáo dục nước nhà trên mọi cấp học đã bắt đầu phải chuyển động, từ học sinh “ngồi nhầm lớp” tới giáo viên “đứng nhầm bục giảng”, từ chuyện vẫn bị coi là nhỏ nhặt như quyền đi vệ sinh của các bé mầm non tới chuyện của các vị “tiến sĩ giấy”... Vẫn biết chưa thể một sớm một chiều, song ắt hẳn đây là tín hiệu đáng mừng.