Khỏi cần đề cập hiện trạng nạn tắc đường hay kẹt xe, vì từ bao năm nay ở các đô thị lớn, nó là chuyện “khổ lắm, biết rồi…”.
Tuy nhiên những biện pháp được đề cập bao lâu nay quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch lại đô thị, tăng cường năng lực của hệ thống vận tải công cộng…
Bất cứ ai cũng có thể thấy, những giải pháp nêu trên không sai, nhưng kết quả của nó, tuy được xem là lâu dài và bền vững, nhưng thuộc thì tương lai. Trong khi xe cộ ngày càng đông, đường ngày càng tắc.
Việc thay đổi giờ đi học, giờ làm chắc chắn sẽ làm phát sinh không ít phiền toái trong những ngày đầu. Dù hôm qua, nhiều người phải dậy sớm hơn thường lệ, dù vẫn đây đó có tắc đường cục bộ, dù nếp sống của một số gia đình phần nào bị đảo lộn, thì ít nhất những gì diễn ra cũng cho thấy có thể tin rằng biện pháp so le giờ làm việc đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Dù đây đó vẫn còn có người cho rằng “giảm ùn tắc thì được cái gì, trong khi đời sống người dân bị đảo lộn”, phải khẳng định rằng giảm ùn tắc giao thông mang lại rất nhiều cái lợi: tiết kiệm thời gian, xăng dầu, giảm hư hao máy móc… Tất nhiên, mới chỉ một ngày thực hiện nên việc đánh giá hiệu quả là hơi sớm.
Điều chỉnh giờ học, giờ làm không mới mẻ gì vì trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng cách này. Song song với việc chuyển đổi giờ làm, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh thực thi các biện pháp mang tính lâu dài và toàn diện, để đảm bảo giảm bớt, tiến tới loại bỏ những biện pháp điều hành giao thông theo kiểu “nay bịt, mai mở, ngày kia lại chặn”, gây ra nhiều xáo trộn đối với cuộc sống của người dân.