>> Đền Trần ngộp thở đêm khai Ấn
Dù đang còn bàn cãi về tính lịch sử của lễ khai ấn nhà Trần, nhưng lễ khai ấn về bản chất chỉ mang ý nghĩa khai mở một năm làm việc của quần thần với mong muốn thuận buồm xuôi gió, quốc thái dân an, chứ nào phải dịp để ban bùa phát ngải. Trước kia, việc xin lá ấn đem về nhà hầu như cũng không có.
Chỉ ít năm lại đây, khi yếu tố tâm linh bị lạm dụng quá đà theo xu hướng thương mại hóa, người ta đổ xô đi mua, lăm lăm chen lấn giành giật lấy một lá ấn, bất kể là loại ấn gì mang về cho riêng mình, hỉ hả như là chiến lợi phẩm với ao ước bỗng dưng lộc về đầy nhà, thăng quan tiến chức...
Có thể thấy gần đây, trong một bộ phận không nhỏ, thói xô bồ, thậm chí dễ dãi buông tuồng đã nhiễm sâu không chỉ trong lời nói, việc làm hằng ngày mà còn cả trong ý thức. Xô vào cướp hoa, liệu có niềm vui đẹp đẽ nào nảy nở trên mấy cuộng hoa đã nhàu nhĩ vì xô đẩy, cướp giật? Xô vào mua, rồi cướp lấy lá ấn, liệu có đức tin về sự an lành nào trong miếng vải được in sao hàng loạt ấy, thậm chí mua về từ phe ấn, cò ấn, ấn dỏm? Ấn mang tiếng là không bán, nhưng vẫn phải lăm lăm “tiền trao cháo múc”, lộc trả bằng tiền.
Niềm tin, đức tin giúp con người ta vững tâm hơn trong cuộc sống, chia sẻ tình yêu thương với đồng loại. Nhưng đó là niềm tin được gây dựng trên cơ sở thực tế, xuất phát từ sự nhiệt thành và không ngừng lao động phấn đấu vươn lên.
Còn với những mơ ước viển vông, “bỗng dưng mà có” thì trong lá ấn chỉ nên có ba chữ: “Làm việc đi!”.