> Hà Nội chỉ đạo chấm dứt việc san lấp mặt bằng tại Tứ Kỳ
> Vẫn chưa thể di dời mộ bị lấp
Một ngôi mộ đã được di dời khi san lấp gần tới nơi. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Vụ việc san lấp mộ tại dự án thi công khu nhà ở của Bộ Công an nằm ở khu vực làng Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã kéo dài gần một tuần nay. Thực hư của sự việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khi những hộ dân cho là có mộ bị san lấp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư.
Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai trực tiếp chỉ đạo nhà đầu tư (Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam) chấm dứt ngay việc san lấp mặt bằng; kiểm tra, xác minh cụ thể vụ việc báo chí phản ánh hàng trăm ngôi mộ bị san lấp tại đây.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Trường, Phó trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai.
Theo ông Trường, về sự việc này, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản báo cáo đến UBND TP Hà Nội, trong đó khẳng định việc hàng trăm ngôi mộ bị san lấp trong đêm là không đúng sự thật. “Khi san lấp gần đến một ngôi mộ, chủ đầu tư đã phát hiện và tiến hành di dời đi chỗ khác và hỗ trợ bồi thường chứ không hề san lấp”.
Ngày 13-3, UBND phường Hoàng Liệt nhận được đơn của sáu hộ dân, kiến nghị việc đơn vị thi công “san lấp làm mất và biến dạng mộ”, trong đó có hộ nhà ông Nguyễn Văn Vinh (51 tuổi). Tuy nhiên, theo ông Trường, đơn này có mâu thuẫn khi tại Bản tự kê khai để GPMB ngày 10-3-2011, ông Nguyễn Văn Vinh chỉ khai nhận rằng đây là đất nông nghiệp nhận theo NĐ64 – CP và dùng vào mục đích chuyên canh rau muống. Ngoài ra các tài sản trên đất, mồ mả phải di dời đều không có.
Thực chất dưới bãi đất bị san này có hay không mộ bị san lấp?. |
Ngày 14-3, đại diện chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các hộ dân có mộ đã họp, lập biên bản giải quyết sự việc. Ông Nguyễn Văn Vinh lại ghi nhận: “Hiện gia đình đã tìm thấy mộ, yêu cầu thực hiện GPMB theo đúng quy định”. Như vậy, hoàn toàn không có việc nhà ông Vinh bị san lấp mộ như đơn kiến nghị.
Biên bản ngày 10-3-2011 (ảnh trên) và biên bản ngày 13-3-2012 (ảnh dưới) của hộ ông Nguyễn Văn Vinh. |
Đối với hộ ông Nguyễn Phúc Hưng kiến nghị: “Trong dự án, gia đình tôi có bảy ngôi mộ, đã tìm được ba ngôi, còn bốn ngôi chưa tìm lại được”, ông Nguyễn Viết Trường cho rằng, trong biên bản kê khai từ trước, gia đình ông Hưng thừa nhận chỉ có ba ngôi mộ chứ không phải có bảy ngôi.
Một điều lạ nữa là trong khi hàng loạt người dân phản ánh có hàng trăm ngôi mộ bị san lấp nhưng chỉ có sáu hộ kiến nghị, trong số đó có nhiều hộ đã xác nhận tại biên bản là đã tìm thấy mộ hoặc mộ nhà mình mới chỉ ảnh hưởng chứ không hề có xác nhận là bị san lấp.
Tiếp đến, ngày 16-3, với tinh thần muốn làm sáng tỏ vấn đề, đại diện chủ đầu tư cùng chính quyền phường Hoàng Liệt đã mời các hộ dân có mộ bị san lấp đến để cùng hợp tác đào tìm mộ.
Ông Nguyễn Văn Trường – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế CT Việt Nam đã nói rằng: “Mời bà con có mộ nghi bị san lấp cùng ban dự án xác định vị trí, tọa độ, sau đó đào lên, khoanh lại. Các bác chọn ngày lành tháng tốt di dời. Chúng tôi sẽ có kế hoạch kê khai, quy tụ, hỗ trợ di dời mộ theo chế độ của nhà nước".
Vị Phó Giám đốc Công ty này cũng nói rằng, “nếu thực sự có mộ thì chúng tôi sẽ chân thành xin lỗi bà con và đền bù thỏa đáng”.
Tuy nhiên, những người dân có mặt tại đây đã tỏ ra rất bức xúc, không hợp tác và gây sức ép khi cho rằng nếu dùng máy xúc đào tìm mộ có thể làm vỡ mộ, và yêu cầu phải “chọn ngày lành tháng đẹp”. Cuối cùng, kế hoạch đào tìm mộ vẫn chưa thực hiện được trong ngày hôm đó.
Sáng 17-3, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai đã tổ chức một cuộc họp giữa các bên liên quan và người dân để làm rõ vụ việc. Dự kiến, sang tuần tới, UBND quận Hoàng Mai sẽ có văn bản kết luận chính thức về vụ việc này.