Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư:
Vai trò giám sát của báo chí
> Nếu không sửa thì Đảng không còn động lực
Trách nhiệm người đứng đầu
Trong diễn văn của Tổng Bí thư cũng nói đến hệ thống giám sát cán bộ đảng viên, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này?
Theo Tổng Bí thư, hệ thống giám sát cán bộ đảng viên gồm 4 hệ thống: một là các cơ quan Đảng, hai là các cơ quan bảo vệ pháp luật, ba là nhân dân góp ý kiến giám sát ở khu dân cư, và thứ tư là các cơ quan thông tin đại chúng.
Trong Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII cách đây 13 năm đã nói đến 4 hệ thống giám sát này, nhưng rất tiếc đến Đại hội IX (2001) thì trong văn kiện lúc đó không còn đề cập đến vai trò giám sát của báo chí nữa.
Lúc đó chính tôi là người chất vấn các đồng chí biên tập cuối cùng là, tại sao lại bỏ đi. Thực tế, khi đó, cách làm của một số anh em và một số tờ báo cũng hơi quá mức nhưng không thể vì một số cá nhân thậm chí là của một vài tờ báo, trang báo có sai sót mà phủ định đi vai trò rất quan trọng của cơ quan truyền thông đại chúng với tư cách là đại diện cho công luận. Rất mừng là đến Đại hội XI chúng ta khôi phục lại, đưa vai trò giám sát của báo chí vào văn kiện và Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ.
Là một nhà báo lâu năm, ông có thể nói sâu hơn về vai trò của báo chí?
Từ xưa đến nay chúng ta hay nói chức năng của báo chí dựa theo câu của Lê Nin là “tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể” là phát biểu của Người khi Đảng chưa cầm quyền.
Trong văn kiện Đại hội XI đã nêu chức năng của báo chí là “thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội”. Theo tôi hiểu tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, lần đầu tiên văn kiện Đại hội nêu đầy đủ chức năng của báo chí. Chúng ta cần thảo luận và cụ thể hóa chức năng này thì hoạt động báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng mới có hiệu quả xã hội cao.
Vấn đề quan trọng bây giờ là chúng ta phải cụ thể hóa bằng luật pháp, nếu không chỉ vẫn dừng lại ở khẩu hiệu.
Thời đầu đổi mới ai cũng biết khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thế nhưng dân biết ở đây là phải được biết những gì, ngay cả như bây giờ Luật Tiếp cận thông tin cũng chưa có, chúng ta chưa luật hóa được khái niệm dân biết. Vậy nên người ta cho mình biết cái gì thì chỉ được biết cái đó. Còn nếu khi đã có luật rồi, anh không cung cấp thông tin theo luật thì anh sẽ vi phạm. Rồi dân kiểm tra thì cơ chế nào để dân kiểm tra, nhân dân trong khu dân cư thì có thể giám sát cán bộ công chức ở thái độ ứng xử nhưng làm sao biết được các gói thầu, việc cất nhắc cán bộ.
Ông từng cùng tham gia trong Ban chỉ đạo T.Ư 6 (lần 2), tại sao khi đó chưa thành công?
Đúng là khi chúng ta đẩy mạnh lên thì tinh thần được dấy lên nhưng nói cho cùng thì vẫn chưa thực sự nghiêm túc và quan trọng là sau đó chúng ta không xử lý nghiêm những sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là xử lý trách nhiệm những người đứng đầu.
Anh làm lãnh đạo phải có đạo đức trong sáng, gương mẫu là đúng rồi. Nhưng là lãnh đạo mà để cho cơ quan xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm.
Tôi nhớ khi vỡ đê Mai Lâm, đồng chí Bộ trưởng Thủy lợi mới nhận nhiệm vụ được mấy tháng nhưng Bác Hồ đã cách chức ngay. Nhưng cách chức không phải cho về mà bắt anh phải xuống tham gia hàn khẩu đê Mai Lâm và đồng chí đó đã hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi cho rằng vấn đề quan trọng của chúng ta hiện nay là phải nghiêm túc xử lý trách nhiệm theo Nghị quyết của Đảng thì sẽ đẩy lùi được tiêu cực, tạo điều kiện để khôi phục niềm tin cho người dân. Mà muốn xử lý trách nhiệm thì phải quy định rõ ràng trách nhiệm người ta đến đâu. Lần này Trung ương đã đề cập việc phải giao trách nhiệm rõ ràng và xử lý trách nhiệm.
Nhà báo Hữu Thọ. |
“Người giả” là nguy hiểm nhất
Như ông nói tự phê bình và phê bình ở ta chưa hiệu quả và khác với các nước, vậy chăng công tác cán bộ của Việt Nam đang có vấn đề?
Sau khi có đường lối đúng thì cán bộ là vấn đề quyết định. Nhưng đánh giá cán bộ bao giờ cũng là một vấn đề khó nhất. Chúng ta đều có một nguyên tắc từ lâu là đều phải xuất phát từ việc làm, hiệu quả công việc của họ. Nhưng điều nguy hiểm nhất của chúng ta hiện nay là sự thiếu trung thực. Trong các thứ giả thì “người giả” là nguy hiểm nhất. Nhiều người nói với tôi, hiện nay nhà cao nhưng gia đình bé đi, bằng cấp cao nhưng trí tuệ thấp đi. Quan hệ xã hội bắt đầu thay đổi, hệ thống giá trị thay đổi. Trong đánh giá cán bộ rất cần sự phán xét của nhân dân, của cộng đồng.
Bây giờ chúng ta có thể mua nhiều thứ lắm, mua cả những mối quan hệ. Vì vậy bây giờ người ta nói đầu tư lớn nhất là đầu tư quan hệ, lên thì có người đẩy, lui thì có người đỡ.
Sự biết xấu hổ là khởi đầu của đạo đức, phải khơi dậy cho con người biết xấu hổ trước những việc làm sai trái của mình nhưng cái đó là khởi nguồn của đạo đức. Có những việc xấu người khác không phát hiện được nhưng chính bản thân mình biết rõ, cho nên phải khơi dậy sự đấu tranh trong từng người và phải có sự nhận xét thẳng thắn trong cộng đồng.
Góp ý trước Đại hội XI, ông cũng rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng?
Tôi cũng đã thẳng thắn góp ý với Đại hội và góp ý trong nội bộ thôi nhưng có nhà báo dự cuộc họp đó ghi lại và đăng công khai trên tạp chí của Đảng thành thử không có gì phải giấu diếm. Tôi nêu 3 điều cần lưu ý: Thứ nhất, khi chúng ta tập trung chống tham nhũng mà tham nhũng không bị đẩy lùi thì nên hiểu rằng tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, cơ cấu tổ chức của chúng ta chứ không phải nằm ngoài. Khi đã nằm ngay trong cơ chế, cơ cấu của anh thì nó hình thành một cơ chế bảo hộ, cơ chế dung dưỡng chứ không phải là cơ chế đẩy lùi.
Thứ hai, nhiều việc chúng ta phải làm từ dưới làm lên nhưng riêng việc chống tham nhũng thì phải làm từ trên làm xuống. Khi chúng ta nói làm từ trên xuống không có nghĩa là chúng ta có đủ thông tin để nói rằng tham nhũng ở cấp trên nhiều hơn cấp dưới nhưng cấp trên có trong sạch thì mới có điều kiện, mới công tâm, công bằng nghiêm túc thực hiện đấu tranh phê bình và tự phê bình đối với cấp dưới.
Thứ ba, cơ quan chống tham nhũng phải nằm ở trong Quốc hội hoặc bên Văn phòng Chủ tịch nước chứ không nên nằm ở Chính phủ vì như vậy thì dễ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Xin cảm ơn ông.