> Hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho người nghèo đón tết
> Bi hài thưởng Tết, chia cổ tức DN bất động sản
Làm quần quật cả năm nhưng Tết này không ít công nhân tại một số KCN ở TPHCM không thể về quê ăn Tết vì lương, thưởng quá bèo. Ảnh: P.V. |
Kẻ khóc, người cười
Dự định có tiền thưởng Tết để về que, nhưng công bố của công ty về mức thưởng Tết cách đây hai ngày khiến chị Trần Thị Viết Phượng, công nhân công ty KCC ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 (TP HCM) thất vọng. “Lương tụi em được 1,8 triệu/tháng nhưng năm nay công ty cho biết mức thưởng Tết chỉ bằng nửa tháng lương. Tiền thưởng không đủ mua vé xe về quê”- Phượng buồn bã.
Phượng quê ở Huế, mới vào làm ở công ty được một năm. “Tháng nào tằn tiện lắm mới dôi dư được vài trăm nghìn. Ăn cũng phải tằn tiện, mua sắm áo quần thì năm thì mười họa có hàng giảm giá em mới mua. Giờ vé xe đò ra quê 900.000 đồng/người, tiền đâu mà mua”- Phượng nói.
Thưởng Tết bèo, lương lại thấp, phải nuôi con nhỏ nên Tết này vợ chồng Nguyễn Thanh Hùng ở Thanh Chương, Nghệ An đang làm việc tại Cty Pung Kook Sài Gòn (Khu Chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức) quyết định ở lại TPHCM ăn Tết. Đây là Tết thứ ba, vợ chồng Hùng không có cơ hội về quê.
“Lương của hai vợ chồng được hơn 3 triệu/tháng, thuê nhà hết 1 triệu, gửi con ở nhóm trẻ 800.000 đồng/tháng… nên vợ chồng lấy tiền đâu mà về quê”- Hùng than. Theo anh Hùng, Tết nay do làm ăn khó khăn, công ty chỉ thưởng được một tháng lương, chưa tới 2 triệu.
Tại Cty TNHH may mặc Bảo Thy ở huyện Bình Chánh, ngay cả lương và tiền tăng ca của tháng 11 đến nay vẫn chưa được trả hết, huống gì nói đến chuyện thưởng. Lê Thị Thu Vân, công nhân công ty cho biết: “Tụi em không có hy vọng sẽ được thưởng Tết bởi đến giờ này vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Nguyễn Công Hiền (SN 1990, quê Nghệ An), công nhân Cty UCHIYAMA (KCN VSIP I) năm nay cũng đành ở lại để dành dụm số tiền ít ỏi gửi về cho bố mẹ ăn Tết. Với mức lương cơ bản 2,5 triệu đồng cộng với tăng ca, phụ cấp hàng tháng cũng chỉ được khoảng 3,3 triệu đồng, chỉ vừa đủ để trang trải chi phí cho cuộc sống hằng ngày. “Dịp Tết em ở lại, nếu công ty có hàng thì làm tăng ca, còn không thì tìm việc khác để kiếm thêm thu nhập”, Hiền chia sẻ.
Làm việc quần quật nhưng cuối năm không ít công nhân ngậm ngùi nhìn khoản thưởng Tết chỉ vài trăm nghìn, không đủ tiền về quê. Ảnh: L.N. |
DN trốn cả lương, thưởng Tết
Không có thưởng Tết là nỗi buồn khó tả của công nhân, nhưng đối với những công nhân quần quật làm việc cả năm, đến cận Tết doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp nước ngoài “trốn” về nước còn đau đớn hơn. “Mấy tháng nay tụi em nai lưng ra làm việc để hy vọng đến Tết có lương thưởng, nhưng không ngờ ông chủ bỏ của chạy lấy người”- Nguyễn Thị Hằng, công nhân Cty Ngọc Minh Châu ở phường Linh Tây, quận Thủ Đức nói.
Gần như việc đóng cửa công ty không ai biết trước, bởi theo Hằng những ngày trước khi công ty đóng cửa vẫn hoạt động bình thường. Nhưng chỉ sau một đêm, sáng mai đến làm việc, nhà xưởng trống trơn.
Những ngày cuối tháng 12 này, lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, nhiều công nhân Cty Miso Vina, 100% vốn Thái Lan, đóng ở quận Bình Tân đến nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho họ khi cuối tháng 11 vừa qua công ty giải thể.
Số phận của hàng chục công nhân tại công ty Hà Thảo ở quận 12 cũng tương tự khi đầu tháng 12 giám đốc công ty này âm thầm tẩu tán tài sản và để lại khoản nợ lương công nhân gần 130 triệu đồng. Không có tiền thưởng Tết, ngay cả tiền tăng ca, lương của hàng chục công nhân cũng bị mất trắng.
Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, trong số 260.000 công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại TPHCM, chỉ có một phần nhỏ trở về quê ăn Tết. Do điều kiện công nhân khó khăn, năm nay Liên đoàn Lao động TPHCM đang phối hợp với công đoàn các khu chế xuất, công nghiệp và các doanh nghiệp hỗ trợ cho trên 6.000 công nhân về quê ăn Tết với việc tặng vé xe và quà về quê.
Riêng với hàng trăm ngàn công nhân ở lại ăn Tết, Liên đoàn Lao động TPHCM sẽ tổ chức buổi họp mặt với 500 gia đình công nhân và khoảng 1.000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Thưởng Tết cao nhất 8,2 tỷ đồng Theo thông tin mới nhất, mức thưởng Tết của bà Trần Thị Mỹ Hòa, Tổng giám đốc khối Retail & Hospitality và bà Đinh Thị Bích Thảo, Tổng Giám đốc khối Invest, thuộc Tập đoàn C.T Group, có mức thưởng Tết cao nhất gồm nhà trị giá 8 tỷ đồng và 200 triệu đồng tiền mặt. Mức thưởng trên vượt qua mức thưởng 1,1 tỷ đồng (tết dương lịch và âm lịch) cũng của một DN tại TP HCM được công bố trước đó. Và vượt xa mức thưởng Tết cao nhất 100 triệu đồng của một DN dân doanh ở Đồng Nai và mức gần 70 triệu đồng của một DN tại Hà Nội. N.A (Tổng hợp) |
Hà Nội: Công nhân ngóng thưởng Tết Tại nhiều KCN của Hà Nội, công nhân vẫn đang ngóng thưởng Tết. Chị Hương công nhân Cty Chee wah (Khu CN Phú Nghĩa - Chương Mỹ - Hà Nội), cho biết: “Năm ngoái chúng tôi được thưởng tháng lương thứ 13, khoảng 1.550.000 đồng, năm nay lương tăng lên 1.750.000 đồng/tháng nhưng tình hình công ty khó khăn nên không biết có được nguyên tháng lương không?”. Ngay cạnh đó, hàng nghìn công nhân Cty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức, cũng trong tâm trạng ngóng thưởng Tết. Một công nhân tâm sự: “Sắp Tết rồi nhưng chưa thấy lãnh đạo nói gì chuyện thưởng Tết. Tôi chỉ mong năm nay vẫn giữ nguyên mức thưởng một tháng lương như năm ngoái. Nếu tiền thưởng ít đi thì khó sắm Tết, vì năm nay giá cả tăng cao”. Còn chị Thu Yến, công nhân thời vụ tại Cty sản xuất bao bì Tú Phương (Khu CN Gia Lâm), không dám nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Bởi theo ông Phạm Ái Việt - Trưởng phòng nhân sự Cty, năm nay khó khăn, nên chỉ lo việc thưởng Tết cho công nhân chính thức, còn công nhân thời vụ thì không. Về mức thưởng cụ thể, ông Việt chỉ tiết lộ cố gắng bằng mức thưởng năm ngoái (lương tháng thứ 13). Ông Trần Văn Thực - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết: “Năm nay do tình hình khó khăn chung nên nhiều DN chỉ duy trì mức thưởng một tháng lương cho công nhân. Lương công nhân dù đã được tăng nhưng hiện tại giá cả, sinh hoạt cũng đã tăng nhiều lần, nên một tháng lương cũng chưa thể làm ấm lòng công nhân về Tết”. |