Công nghiệp kém, nhập siêu cao

Công nghiệp kém, nhập siêu cao
TP - Nền công nghiệp yếu kéo theo nhập siêu cao, Việt Nam đang tụt hậu về phát triển công nghệ cao so với nhiều nước ASEAN.

Nhập siêu thấp nhất 5 năm

Việt Nam phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chế tạo có giá trị gia tăng cao
Việt Nam phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chế tạo có giá trị gia tăng cao.

Đó là một trong những nội dung của Báo cáo Cạnh tranh Công nghiệp Việt Nam 2011, do Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) công bố ngày 13-12.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đưa ra trong báo cáo là giải pháp tái cấu trúc ngành công nghiệp. Việt Nam tuy xuất khẩu cao nhưng nhóm hàng dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực giá rẻ chiếm nhiều.

“Tôi từng nói với Thủ tướng, từ nay đến 2020 nếu không thay đổi được cơ cấu công nghiệp, không đưa được công nghệ cao vào thì sẽ vẫn phải nhập siêu và năm nào các bộ trưởng vẫn sẽ phải trả lời về nhập siêu. Đánh giá khả năng cạnh tranh của một nước, người ta nhìn vào khả năng hấp thụ công nghệ của nước đó”, ông Hào nói.

Ông Jonathan Pincus (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng Việt Nam cần có giải pháp cấp bách để giảm nhập siêu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Việt Nam thu hút được các công ty nước ngoài sản xuất linh kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc lắp ráp ở đó. Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cần tập trung cụ thể vào những ngành sản xuất tạo ra linh kiện để xuất khẩu, ông nói.

Ông Pincus, cho rằng Việt Nam dựa quá nhiều vào ngành công nghệ thấp, lương thấp khiến cạnh tranh quốc tế rất khó. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ sẵn sàng rút khỏi Việt Nam khi thấy được nơi có giá thành tốt hơn.

Ông Manuel Albaladejo, chuyên gia nghiên cứu công nghiệp của UNIDO, cho rằng, Việt Nam có sự thăng tiến mạnh về xếp hạng cạnh tranh công nghiệp, từ bậc 72 lên 58 chỉ trong 5 năm (từ 2005 đến 2009). Nhưng nhìn tổng thể, vẫn tụt hậu, đứng sau các nước trong khu vực. Ở Việt Nam cũng chưa thấy có sự dịch chuyển đáng kể về những ngành sử dụng công nghệ cao. Phải tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng theo mẫu hình phổ biến trong khu vực.

Ông Wilfried Luetkenhorst, Giám đốc điều hành của UNIDO cho rằng, chính sách công nghiệp ngày nay khác chính sách công nghiệp thập kỷ trước. Việt Nam từng đưa ra 80 chiến lược phát triển và quy hoạch cho nhiều ngành công nghiệp độc lập. Điều này cho thấy Việt Nam không thiếu chính sách phát triển công nghiệp nhưng phần nhiều chưa được thực thi có hiệu quả.

Theo ông, Việt Nam cần tiến lên về công nghệ có tính tinh vi và giá trị hơn, vì thực tế thời gian qua cho thấy tăng trưởng sản xuất của doanh nghiệp vẫn dựa vào FDI, chứ không phải dựa vào năng lực sản xuất trong nước.

Theo báo cáo cạnh tranh Công nghiệp Việt Nam 2011, Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh của các nước thứ ba do sự tập trung vào vài ngành chế tạo sử dụng nhiều lao động.

“5 lĩnh vực chính sách then chốt mà Chính phủ cần hành động là tái hoạch định các chính sách và chiến lược công nghiệp; đa dạng hóa công nghiệp với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất; phát triển công nghệ; định hướng cho nguồn đầu tư nước ngoài có chất lượng cho lĩnh vực sản xuất chế tạo”, báo cáo nêu rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG