Tất cả sở hữu nhà là vô lý

Tất cả sở hữu nhà là vô lý
TP -Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu các sở ngành khẩn trương rà soát, kiên quyết ngăn chặn tình trạng chuyển đổi, sử dụng sai mục đích nhằm đảm bảo cho nhiều đối tượng chính sách có nhà ở.

> Nắn thiết kế đường dẫn tránh nhà giàu
> Ngắc ngoải nhà thu nhập thấp

Yêu cầu trên được đưa ra trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản vào sáng qua (30-11).

Dự án xây KTX sinh viên đang đình trệ (Ảnh: Dự án KTX tại Pháp Vân - Tứ Hiệp). Ảnh: Minh Tuấn
Dự án xây KTX sinh viên đang đình trệ (Ảnh: Dự án KTX tại Pháp Vân - Tứ Hiệp).
Ảnh: Minh Tuấn.

Gần 300 ha xây nhà xã hội

Sở Xây dựng cho biết, tính từ năm 2000 đến nay, Hà Nội có 348 dự án phát triển nhà và đô thị với tổng diện tích đất 8.766 ha. Trong đó diện tích đất 20% dành để xây nhà ở xã hội là 59,45 ha. Hà Nội đã dùng hơn 21 ha đất để xây nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà xã hội; 5,2 ha xây nhà ở cho người có công; 5,4 ha để xây nhà sinh viên; 11,52 ha để xây nhà tái định cư.

Khi Hà Nội mở rộng, một số địa phương không quy định phải dành 20% quỹ đất ở để xây quỹ nhà xã hội, có nơi lại quy định nộp bằng tiền dẫn tới quỹ đất 20% quá nhỏ so với tổng diện tích các dự án. Dự kiến đến năm 2015 Hà Nội bố trí 291 ha đất xây nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu các quận, huyện, sở ngành kiên quyết ngăn chặn tình trạng làm biến dạng quỹ đất xây nhà ở xã hội: “Cho đến vừa qua tôi vẫn nhận được đề nghị của sở này, quận kia đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất 20%. Đây là điều không chấp nhận được”.

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về nhà ở, sắp tới Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và nhiều văn bản quy định khác sẽ được sửa đổi, bắt buộc tất cả các dự án đều phải dành 20% quỹ đất để lo cho nhà ở xã hội. Bên cạnh Hà Nội, sẽ kiểm tra quỹ đất 20% tại TPHCM và một số đô thị lớn.

Nghèo thì phải thuê nhà!

Mặc dù giá bán nhà thu nhập thấp được liên ngành của thành phố duyệt nhưng ông Nguyễn Văn Khôi vẫn yêu cầu kiểm toán một số dự án có giá bán cao.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói, bên cạnh những điều chỉnh của nhà nước như tăng tỷ lệ căn hộ nhỏ trong từng dự án, cần có sự chuyển đổi tâm lý về nhà ở. Thu nhập của người dân Việt Nam vẫn ở mức rất thấp nhưng tỷ lệ sở hữu nhà ở lại thuộc hàng cao nhất thế giới, lên tới trên 96% hộ gia đình, là vô lý. Nhà nước cũng không thể lo cho tất cả mọi người được sở hữu nhà mà người nghèo thì phải đi thuê nhà.

Bộ Xây dựng đang triển khai mạnh chương trình phát triển nhà ở cho thuê trong thời gian sắp tới. Việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ trình Chính phủ vào đầu năm 2012. Nguồn vốn ban đầu hình thành từ ngân sách nhà nước cộng với sự đóng góp của người dân có nhu cầu mua nhà. Quỹ hoạt động phi lợi nhuận, không kinh doanh các lĩnh vực khác mà chỉ dùng cho các đối tượng vay mua nhà thu nhập thấp hoặc một số dự án để tạo nguồn cung, mua trái phiếu Chính phủ...

Không có chuyện tháo chạy của người mua nhà thu nhập thấp

"Tôi không nhìn thấy sự tháo chạy của người mua nhà thu nhập thấp! Trên thực tế số căn hộ cung cấp cho người mua thấp hơn rất nhiều so với số đơn đăng ký mà các dự án nhận được. Chỉ có khoảng dưới 5% người được mua nhưng không có khả năng thanh toán cho dự án. Điều này cũng là bình thường vì họ quá nghèo” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
TPO - Đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG, người thay thế là ông Võ Sỹ Nhân. Đến nay, ông Nhân từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và ông Minh quay lại ghế chủ tịch. Hiện vị trí tổng giám đốc của công ty này đang bỏ trống.