'Chạy' hộ khẩu để được thi tiếng Hàn

Võ Văn Thái (giữa) bỏ việc, học tiếng Hàn nhưng nay bị địa phương từ chối không cho dự thi. Ảnh: Minh Thùy
Võ Văn Thái (giữa) bỏ việc, học tiếng Hàn nhưng nay bị địa phương từ chối không cho dự thi. Ảnh: Minh Thùy
TP - Hàng nghìn người đang rất lo lắng trước thông tin sẽ không được tham dự kỳ thi tiếng Hàn năm 2011 chỉ vì họ đang sinh sống tại các địa phương bị tạm dừng nhận hồ sơ thi theo chủ trương của Bộ LĐTB&XH. Nhiều lao động chạy hộ khẩu sang địa phương khác để được dự thi.

> Lao động 23 xã, phường không được thi tiếng Hàn
>Những đối tượng được tuyển sang Hàn Quốc làm việc

Võ Văn Thái (giữa) bỏ việc, học tiếng Hàn nhưng nay bị địa phương từ chối không cho dự thi. Ảnh: Minh Thùy
Võ Văn Thái (giữa) bỏ việc, học tiếng Hàn nhưng nay bị
địa phương từ chối không cho dự thi. Ảnh: Minh Thùy.
 

Cuốn theo giấc mơ Hàn

Những ngày này về xã Cẩm Nam (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làng trên xóm dưới xôn xao việc người dân nơi đây không được dự thi kiểm tra tiếng Hàn năm 2011, vì có người trong xã từng sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn. Người dân Cẩm Nam đã có việc làm ổn định, có thu nhập mỗi tháng gần chục triệu vẫn chấp nhận bỏ việc tìm cơ hội xuất ngoại sang Hàn Quốc.

“Thông tin không được dự thi tiếng Hàn khiến cả nhà tôi chưa biết xoay xở thế nào” - ông Nguyễn Minh Tân, trú tại thôn Nam Tiến, xã Cẩm Nam nói. Ông Tân có hai con trai là Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Văn Mỹ. Sau khi xuất ngũ, Cường theo học lớp trung cấp nghề điện. Ra trường, Cường được một Cty liên doanh nước ngoài nhận về làm việc. Sau hai năm, tay nghề của Cường được đánh giá cao, lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thấy bạn bè cùng quê vừa sang Hàn Quốc làm thu nhập mỗi tháng hàng nghìn đô, Cường bỏ việc, theo học tiếng Hàn.

“Tôi nghĩ sang Hàn làm việc 5 năm lấy tiền cho bố mẹ trả nợ, góp thêm một ít vốn về mở một xưởng sửa chữa riêng. Giờ không được thi, quay trở lại Cty xin việc họ không nhận nữa” - Cường buồn bã.

Mỹ, em kế sát Cường sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng xây dựng Đà Nẵng cũng nghe lời anh về đi học tiếng Hàn. Ông Tân cho biết, gần một năm theo học các lớp tiếng Hàn, ông phải vay gần 15 triệu đồng cho hai con. “Tôi chấp nhận thế chấp tất cả đất đai để con được xuất ngoại, ai ngờ không được thi tiếng Hàn, số nợ ngày một đội thêm, gia đình không biết xoay xở ra sao” - ông Tân nói.

Cạnh nhà ông Tân là nhà ông Võ Văn Sơn cũng có con trai Võ Văn Thái đang có công việc ổn định tại Cty Lilama 45.4 ở Đồng Nai với mức lương mỗi tháng 5 triệu đồng. Giấc mơ xuất ngoại đổi đời thúc giục Thái bỏ công việc về học lớp tiếng Hàn khẩn cấp tại Hà Tĩnh.

Sau bốn tháng miệt mài đèn sách, nay lên Trung tâm giải quyết việc làm của tỉnh Hà Tĩnh nộp hồ sơ thì bị từ chối, vì xã Cẩm Nam nằm trong danh sách các xã có lao động bỏ trốn nhiều. Nay chưa xin được việc làm mới, hằng ngày Thái theo bạn cùng quê đi mò cua, bắt ốc.

Người lao động đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại Hà Nội. Ảnh: Phong Cầm
Người lao động đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại Hà Nội. Ảnh: Phong Cầm.
 

Làm hộ khẩu mới

Theo tìm hiểu của PV, chỉ riêng thôn Nam Tiến có hơn 30 thanh niên bỏ công việc ổn định, với thu nhập từ 3 đến 8 triệu đồng/tháng, để theo học tiếng Hàn với giấc mơ đổi đời ở xứ Kim Chi. “Xã Cẩm Nam có 300 thanh niên muốn dự thi thì có đến 200 người bỏ công việc ổn định. Thời gian tới không được thi, số lao động này không biết xử lý thế nào” - một lãnh đạo xã Cẩm Nam nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Hòa, Giám đốc Trung tâm giới thiệu Việc làm Hà Tĩnh cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, chúng tôi chỉ dừng tiếp nhận hồ sơ của học viên đến từ 23 xã, ở đợt thi tới đây (tháng 12-2011), còn những đợt sau thì chưa có thông tin”.

 

Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam, ông Nguyễn Văn Dương cho biết, khi biết con em không được dự thi, hàng trăm bà con tập trung lên trụ sở xã đề nghị lãnh đạo phải đưa ra phương án giải quyết. “XKLĐ là thế mạnh của xã hiện nay. Chủ trương không cho dân thi tiếng Hàn khi có người trong xã bỏ trốn là bất hợp lý” - ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, lãnh đạo xã Cẩm Nam đến từng gia đình có con em bỏ trốn động viên gia đình tác động để con em họ ra trình diện cơ quan chức năng nước sở tại, về nước để những người khác có cơ hội xuất ngoại nhưng vẫn chưa có hiệu quả.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ ở Cẩm Nam mà các xã, phường bị cấm thi tiếng Hàn đợt này, người dân đang chạy đôn đáo tìm cách nhập hộ khẩu sang xã khác để được dự thi. Nhiều gia đình mất gần chục triệu đồng để được một tấm hộ khẩu hợp lý nhưng vẫn không được đăng ký.

“Việc làm này gây ảnh hưởng lớn tới tình hình chính trị tại địa phương”- một lãnh đạo xã Cẩm Nam cho biết. Trong khi đó, tại ba xã Cương Gián (Nghi Xuân), Cẩm Nam (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (Kỳ Anh), có tới gần 2.000 người muốn dự đợt thi tiếng Hàn sắp tới.

Bộ LĐ-TB&XH không cấm thi

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đúng là Bộ vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, có biện pháp hành chính để tạm thời chưa tiếp nhận đăng ký kiểm tra tiếng Hàn của lao động từ các xã, phường có từ 5 lao động trở lên đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và các xã, phường có lao động bỏ trốn sau khi nhập cảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, đó chỉ là đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH còn quyền quyết định là của địa phương.

“Mục đích là để ổn định thị trường, không thể để con sâu làm rầu nồi canh vì Hàn Quốc là thị trường thu nhập cao, ổn định, tiếp nhận nhiều lao động. Nếu không giải quyết rốt ráo, rất khó quản lao động bỏ trốn”- ông Quỳnh khẳng định.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết: “Chúng tôi nhận được thông báo không nhận hồ sơ học viên ở những xã có từ 5 lao động bỏ trốn trở lên, chứ không phải giao quyền quyết định cho địa phương. Nếu Bộ LĐ-TB&XH giao quyền quyết định cho địa phương thì chúng tôi không cấm.

Thay vào đó, chúng tôi sẽ đưa ra những quy định ràng buộc các gia đình, như: Phải làm cam kết, thế chấp sổ đỏ, nếu để cho con em sang Hàn Quốc bỏ trốn, thì địa phương không xác nhận giấy tờ cho con em họ...Như thế sẽ hiệu quả hơn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.