Người giải quyết phải bảo vệ người tố cáo

Người giải quyết phải bảo vệ người tố cáo
TP - Chiều 11-11, QH biểu quyết thông qua dự án Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo với đa số phiếu tán thành. Luật Tố cáo xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết.

> Tuần này, QH thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
> Không xem xét đơn tố cáo nặc danh

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo (TC) có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin, không kể người TC có yêu cầu hay không. Trường hợp nhận được thông tin người TC bị đe dọa, trả thù, trù dập thì người giải quyết TC phải chủ động chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền để áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người TC”, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho biết.

Quy định người TC phải có văn bản yêu cầu bảo vệ chỉ áp dụng trong trường hợp họ có căn cứ cho rằng bị phân biệt đối xử về việc làm, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân, hay nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Về hình thức TC qua điện thoại, mạng thông tin điện tử, UBTVQH cho rằng, hình thức này tuy được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng song vẫn chưa áp dụng phổ biến, việc quản lý thông tin loại này còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cần nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ hoặc để phát tán thông tin về việc TC, nhất là trên trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. UBTVQH đề nghị chỉ duy trì hai hình thức TC trực tiếp và TC bằng đơn như hiện nay.

Đối với TC nặc danh, UBTVQH đề nghị QH quy định như trong dự thảo luật - chỉ xem xét, giải quyết đối với các TC rõ họ, tên, địa chỉ của người TC.

Về khiếu nại (KN) các quyết định hành chính, có ý kiến đề nghị Luật KN không điều chỉnh việc KN quyết định kỷ luật cán bộ, công chức (CBCC) vì đây là quan hệ nội bộ. UBTVQH cho rằng, quyết định kỷ luật CBCC ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi cơ bản của CBCC.

“Theo Luật CBCC, loại khiếu nại này được giải quyết theo quy định của pháp luật khiếu nại. Vì vậy, việc quy định cơ chế giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật CBCC trong Luật KN là cần thiết”, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nói.

Những vấn đề cụ thể khác giao Chính phủ quy định chi tiết.

Luật KN và Luật TC có hiệu lực từ 1-7-2012.

* Cùng ngày, QH biểu quyết thông qua dự thảo Luật Lưu trữ, Luật đo lường (có hiệu lực từ 1-7-2012). Theo Luật Lưu trữ, tài liệu mật, tối mật được giải mật sau thời gian tương ứng là 40 và 60 năm. Luật cấm “mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép”.

Đại biểu QH nhắn tin bình chọn Vịnh Hạ Long

Trong giờ giải lao sáng qua (11-11), nhiều đại biểu QH nhắn tin ủng hộ cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

“Chúng tôi rất mong các vị đại biểu QH đã bầu chọn hoặc chưa bầu chọn thì ngay trong giờ giải lao hãy dành sự quan tâm của mình đối với Vịnh Hạ Long, một địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc và rất nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

 

Không qui định báo chí phải chuyển đơn, thư tố cáo tới cơ quan chức năng

“Việc quy định cụ thể trách nhiệm của tổng biên tập, phóng viên của cơ quan báo chí trong việc xử lý thông tin mang tính tố cáo hay trách nhiệm của cơ quan báo chí khi thực hiện việc đăng tải các thông tin trong Luật Tố cáo sẽ không thể đầy đủ và có khả năng mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các luật khác, nhất là Luật Báo chí. Do vậy, đề nghị QH không quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong Luật Tố cáo”, ông Lý nói.

Nguyễn Tuấn (ghi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG