> Năm 2012, kiềm chế lạm phát dưới 10%
Nhiều người đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về mức an toàn nợ công để đại biểu yên tâm khi bấm nút.
Nợ công: 54,5% GDP
TS Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, chỉ lấy con số nợ công chiếm bao nhiêu phần trăm GDP để xác định mức trần an toàn nợ công là phiến diện. Lấy hình ảnh một người uống rượu mạnh, ông Lịch ví, anh A có thể 3 chén không sao, nhưng anh B chỉ 1 chén đã “chết”. Như Nhật Bản nợ công bằng 200% GDP mà không sao, nhưng Hy Lạp nợ chỉ bằng 100% GDP đã “hỏng”.
Do vậy, điều quan trọng là phải xem xét số nợ phải trả so với nguồn thu tăng hay giảm. Như năm 2011, Việt Nam phải trả nợ 86 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5% nguồn thu, dự kiến đến 2012 trả 100 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5%. “Cứ đà tăng như vậy thì sẽ đến lúc tăng thu chỉ để trả nợ”- ông Lịch nói.
TS Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng bày tỏ lo ngại: “Bội chi ngân sách nước ta liên tục kéo dài trong nhiều năm nên nợ công và nợ nước ngoài đã ở mức báo động”.
Ông Ngân phân tích, theo ước tính, đến cuối 2011 nợ công của Việt Nam là 54,5% GDP, nợ nước ngoài là 41,5%GDP, tương đương 50 tỷ USD. Nếu so với dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay (chỉ khoảng 14- 15 tỷ USD) thì số nợ nước ngoài gấp hơn 3 lần. Trong khi số liệu của các nước trong khu vực cho thấy, Thái Lan nợ công (gồm nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, nợ doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh) chỉ có 44,1%GDP.
Năm 2012, thay vì mức bội chi bằng 4,8% GDP như báo cáo của Chính phủ, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị bội chi không được vượt quá 4,5% GDP, làm sao đến hết nhiệm kỳ QH khóa XIII giảm bội chi còn 3,5% GDP.
ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho biết, nợ công là vấn đề lớn mà nhiều đại biểu còn băn khoăn. “Để tình trạng nợ công mà không ai biết rõ thì rất khó khăn. Chính phủ nên báo cáo QH về mức trần an toàn, cơ cấu vay, việc trả nợ hằng năm để đại biểu yên tâm khi bấm nút theo đề xuất của Chính phủ là đến năm 2015 nợ công khoảng 60- 65% GDP”- ông Bình nói.
Chính sách tiền lương – vẫn có “đặc quyền, đặc lợi”
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) băn khoăn, tại sao lại có nhiều chế độ phụ cấp khác nhau cho cán bộ, công chức. Như ngành Thanh tra, vừa có phụ cấp nghề, vừa phụ cấp thâm niên, dẫn đến thực trạng cùng là cán bộ sở Công thương, Nội vụ song cán bộ thanh tra lại có chế độ riêng, thu nhập cao hơn hẳn. Điều này rất bất bình đẳng.
ĐB Lê Như Tiến đồng tình với ý kiến trên: Phụ cấp công vụ đang “trăm hoa đua nở”. Chúng ta làm chính sách nhưng không tính đến tác động xã hội, cân đối ngân sách. Cùng cán bộ nhà nước nhưng chế độ phụ cấp khác nhau, vậy ở đây có hay không việc “đặc quyền, đặc lợi”.
“Một số ngành ngoài phụ cấp công vụ còn được phụ cấp dưỡng liêm như tòa án, VKS, thanh tra…Vậy các ngành khác có cần dưỡng liêm hay không? Có cán bộ nói rằng, chúng tôi không có phụ cấp dưỡng liêm thì chả cần phải giữ liêm, bởi không có dưỡng thì không có giữ”- ông Tiến nói.
Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp đảm bảo công bằng chung. Thầy giáo có phụ cấp đứng lớp, vậy thầy thuốc đối mặt với độc hại, vi trùng, bệnh nhân tâm thần…thì có được phụ cấp “đứng bệnh nhân” hay không?