Người lập công thức cho giao thông Hà Nội

Người lập công thức cho giao thông Hà Nội
TPO - Đã 60 tuổi, nhưng vì trăn trở với thực trạng giao thông, ông Vũ Tuyên nghiên cứu lập công thức chứng minh tính ưu việt của các phương tiện công cộng trong việc chống ùn tắc ở Hà  Nội.

 > Hà Nội: Co hẹp làn ô tô

Ông Vũ Tuyên. Ảnh: Lãng Phong
Ông Vũ Tuyên. Ảnh: Lãng Phong.

Lập công thức

Ông Tuyên cho rằng, cấm phương tiện cá nhân là xu hướng tất yếu của các thành phố lớn. Hà Nội có lượng phương tiện lớn, lại thường xuyên xảy ra ùn tắc, nên việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ phải làm.

“Chúng ta đã phát triển xe buýt nhưng điều mà người sử dụng cần nhất là đúng giờ thì chưa đáp ứng được (xem video clip Nhao nhao lao lên... xe buýt). Xe buýt cần đường lưu thông nhưng thường bị xe máy lấn lướt. Làm đường riêng cho xe buýt thì chưa có tiền và quỹ đất hạn chế. Trông vào xe điện ngầm hay đường sắt trên cao phải cần thời gian” - Ông Tuyên phân tích.

Từ thực tế, ông Tuyên vạch ra công thức chứng minh tính ưu việt của các phượng tiện như xe buýt, xe ô tô và chỉ ra nhược điểm của các loại phương tiện cá nhân như xe máy, mô tô.

Trong công thức của mình, ông Tuyên cho rằng, khả năng vận chuyển hành khách của các phương tiện tỷ lệ thuận với tích của số người chuyên chở và tốc độ chạy của phương tiện, nhưng lại tỷ lệ nghịch với tổng chiều dài xe và khoảng cách an toàn giữa các xe (xem ảnh). Khả năng vận chuyển hành khách cũng phụ thuộc vào chỉ số K. Ở đây, K bao gồm các yếu tố như độ trật tự, tính ổn định của các phương tiện....

Công thức chứng minh tính ưu việt của các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt của ông Tuyên.
Công thức chứng minh tính ưu việt của các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt của ông Tuyên..

Để chứng minh điều này, ông Tuyên “tiện thể” xây dựng kế hoạch dài hơi về hạn chế, tiến tới xóa bỏ lưu thông bằng xe máy, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng.

Ông Tuyên đưa ra giải pháp, hàng ngày, vào các giờ cao điểm, toàn bộ khu vực nội thành cấm xe máy, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các phương tiện công cộng như xe buýt hoạt động hết công suất, phục vụ nhu cầu đi làm, đi học của cán bộ, công nhân, sinh viên…

Như vậy, trong giờ cao điểm, chỉ còn xe buýt, xe con, xe đạp hoạt động và được bố trí thành từng làn riêng biệt. Khi đó, kết hợp với một số thay đổi trong quy chế phục vụ như cách bán vé, cách phục vụ… xe buýt sẽ phát huy tối đa các ưu thế của mình như đúng giờ, thuận tiện, an toàn.

Trong bản kế hoạch, ông Tuyên nhận định, nếu Hà Nội quyết tâm thực hiện thì chỉ sau hai đến ba năm, các quận nội thành sẽ trở thành nơi đầu tiên không dùng xe máy như phương tiện giao thông chủ yếu.

Để kiểm chứng nhận định của mình, ông Tuyên đã lên trạm trung chuyển xe buýt tại Cầu Giấy quan sát. Ông thấy rằng, nếu các xe tăng cường thêm chuyến cũng như thời gian giữa các chuyến rút ngắn lại, lương khách vận chuyển được sẽ tăng lên rất nhiều.

Xử phạt bằng hình ảnh

Ông Tuyên cũng ấp ủ gần 10 năm để cho ra đời đề án “Xây dựng bộ ảnh chuẩn làm căn cứ xử phạt vi phạm Luật giao thông bằng hình ảnh”, nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xử lý kịp thời và nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Dự án này khuyến khích toàn dân chụp ảnh người vi phạm luật giao thông theo tiêu chí giám sát lẫn nhau. Ảnh có thể chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp, bán chuyên hoặc điện thoại di động có chức năng chụp ảnh… Sau đó, người dân bán ảnh này cho lực lượng cảnh sát giao thông.

Để đáp ứng nhu cầu mua bán ảnh vi phạm giữa người dân và cảnh sát giao thông, một Trung tâm xử lý vi phạm sẽ được thành lập. Trung tâm này làm nhiệm vụ tiếp nhận ảnh của người dân, đồng thời xử lý ảnh, rồi kết hợp với Trung tâm thu phạt toàn quốc gửi hóa đơn, biên lai thu tiền phạt đến người vi phạm theo đường bưu điện.

Nếu sau hai lần gửi, người vi phạm không chịu nộp tiền vào tài khoản tài khoản của Trung tâm xử lý thì sẽ gửi công văn về các xã, yêu cầu phối hợp giúp đỡ. Nếu vẫn không được thì nhờ đến sự can thiệp của tòa án. Đặc biệt, bộ máy này vận hành trên toàn quốc.

Ông Vũ Tuyên là cựu cán bộ của Tập đoàn đầu tư và Phát triển Hà Nội. Ông là người sáng chế ra phao sinh tồn được làm từ vỏ chai nhựa phế liệu, kết hợp với áo phao truyền thống, cùng với một số cải tiến cho thức ăn, nước uống, đèn pin, đèn tín hiệu trong phao…

Với phương châm xử phạt để nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, ngoài ngày giờ, địa điểm ghi lại hành vi vi phạm, mỗi biên bản gửi cho người vi phạm đều có in thêm các quy định của luật về hành vi vi phạm, mức xử phạt của luật hiện hành.

Theo ông Tuyên, để dự án này hoạt động, cần có một bộ ảnh mẫu cho các hành vi vi phạm giao thông, làm căn cứ để đối chiếu, so sánh với những hình ảnh người dân cung cấp. Ông cho rằng, chỉ trong một năm và số tiền 289 triệu đồng, ông sẽ hoàn thành bộ ảnh này.

Cũng theo ông, đây là dự án nhằm "xã hội hóa giám sát giao thông, hạn chế tham nhũng, cộng đồng an toàn, nhà nước nhẹ gánh, dân được nhờ".

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.