> Chủ tịch nước gửi thư nhân ngày khai trường
Theo ông Hương, muốn sử dụng tốt nhân tài cần đi đôi với đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài. |
Theo ông Nguyễn Đình Hương (ảnh), dùng người tài cần không lệ thuộc về nhân thân, lai lịch, quá khứ, không phân biệt người ngoài Đảng hay trong Đảng…
Nhân tài đang bị kìm hãm
Là người từng gắn bó với công tác cán bộ, ông nghĩ sao về câu chuyện sử dụng nhân tài của chúng ta hiện nay?
Vấn đề nhân tài là vấn đề đại sự của quốc gia. Đất nước này thịnh hay suy, có tiến lên đuổi kịp các nước tiên tiến không thì quyết định nhất là phải sử dụng được nhân tài. Đảng ta lâu nay vẫn khẳng định đường lối chính trị đúng thì đường lối tổ chức mới đúng. Đường lối chính trị sai thì đường lối tổ chức và cán bộ cũng sai.
Ngược lại đường lối cán bộ, sử dụng nhân tài đúng thì nó định ra đường lối chính trị đúng vì cán bộ, con người luôn là yếu tố quyết định, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Vì vậy, muốn phát huy được nhân tài tốt thì phải thay đổi toàn bộ quan điểm, cơ chế, chính sách lãnh đạo liên quan đến chuyện này. Bây giờ ai chịu trách nhiệm về chuyện này, ai chịu trách nhiệm cho việc chúng ta chưa phát huy và sử dụng được nhân tài. Không ai cả!
Lúc chiến tranh, đường lối chính trị chúng ta đúng, nhân tài nhìn rất rõ. Chiến tranh nơi thử thách rất rõ, ai kiên cường, ai trung thành, ai phản bội đều rõ. Đến thời kỳ bao cấp thì đường lối sai, tập trung quan liêu bao cấp, nó kìm hãm không biết ai giỏi ai kém, không biết thế nào mà nhận định người tốt người xấu.
Sau khi mở cửa và hội nhập bối cảnh đã rất khác, nhưng nếu cứ như hiện nay thì tôi thấy nhân tài của chúng ta không phát triển được.
Vậy theo ông, lý do của thực trạng này đang nằm ở đâu?
Nhân tài chúng ta không thiếu nhưng một câu hỏi đặt ra là chúng ta đã phát huy được chưa? Bằng thực tế của mình, tôi thấy hiện nay nhân tài của Việt Nam đang bị kìm hãm. Chính sách của chúng ta có nhiều điểm lạc hậu, bảo thủ.
Chúng ta vẫn đang quá nặng nề trong quan niệm về xuất thân, quá khứ, trong khi cái đáng phải quan tâm nhất là tài - đức hiện nay của người đó. Dùng người tài thì không lệ thuộc về nhân thân, lai lịch, quá khứ… Không phân biệt người ngoài Đảng hay trong Đảng.
Một điều nữa không kém phần quan trọng là muốn sử dụng được nhân tài thì phải chọn được người đứng đầu xứng đáng. Người đứng đầu giỏi thì họ mới chọn được những người giỏi, chứ người dốt thường họ không bao giờ muốn chọn người giỏi hơn mình. Chúng ta cũng đang có những quy định quá khắt khe về tuổi, lấy tuổi làm tiêu chuẩn chứ không phải đức - tài làm tiêu chuẩn...
Ngoài ra, một yếu tố không thể bỏ qua chúng ta muốn sử dụng được nhân tài thì phải đầu tư, nhân tài cũng như cái cây, phải chăm bón, phải có đất tốt, môi trường tốt mới phát triển được.
Nguyên Phó ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương. |
Chạy chức, chạy quyền trở nên phổ biến
Theo ông, chính sách của chúng ta sắp tới phải điều chỉnh thế nào để việc sử dụng nhân tài hiệu quả hơn?
Đảng giữ vai trò quyết định còn dân bầu theo Đảng. Đáng lẽ, Đảng chỉ nêu tiêu chuẩn thôi. Đảng lãnh đạo và thuyết phục chứ không phải cái gì cũng quyết hết. Điều nữa là dân chủ trong Đảng chưa được phát huy cao, ở đây phải cụ thể hóa bằng cơ chế, có như vậy Đảng mới phát huy đầy đủ trí tuệ của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa rồi nói “Trí thức là vàng ròng”, ý nói là quý nhưng vấn đề quý thì có sử dụng hay không? Tôi gặp nhiều trí thức, họ tâm tư bây giờ họ nói nhưng không được một số cơ quan nhà nước lắng nghe.
Từ việc dân chủ không được thực hiện đầy đủ, nó mới đẻ ra một tiêu cực trong công tác nhân sự hiện nay là việc “chạy chức, chạy quyền” đang trở nên phổ biến. Những nhân tài thực sự thì họ sẽ không “chạy”, nhưng chính vì người có tài họ không “chạy” nên họ mới thiệt thòi.
Cơ chế lựa chọn nhân tài của chúng ta là chưa tốt, chúng ta có luân chuyển, có quy hoạch nhưng dưới thì làm quy hoạch còn trên thì không làm. Nói cho cùng, người có đức, có tài phải qua rèn luyện thực tiễn, qua công việc anh làm được gì cho cộng đồng, cho xã hội. Anh là một giám đốc, là một chủ tịch, là bí thư tỉnh… một nhiệm kỳ anh làm được gì có lợi cho đất nước, làm được gì cho nhân dân?
Thêm nữa là chính sách cán bộ phải có cạnh tranh, đãi ngộ phải đi liền với nghĩa vụ. Càng nhiều đãi ngộ thì nghĩa vụ cũng phải càng cao và nếu như không hoàn thành được trách nhiệm thì phải được thay thế, không đợi đến lúc hết nhiệm kỳ.
Một thực tế nữa là hiện tại cũng có rất nhiều người được gọi là “tài” nhưng “tài” ở đây là tài lợi dụng cơ chế của Đảng và Nhà nước để thu vén cho cá nhân, tài lách luật, tài chạy chọt, đút lót, chạy dự án.
Cảm ơn ông.
Cao Nhật thực hiện