'Vàng trắng khoắng rừng Tây Nguyên': Người trong cuộc nói gì?

Đồng bào dân tộc thiểu số đang làm thuê cho Cty 194
Đồng bào dân tộc thiểu số đang làm thuê cho Cty 194
TP - Báo Tiền Phong ngày 13 đến 15-8 có đăng loạt bài: 'Vàng trắng khoắng rừng Tây Nguyên'. Phóng viên Tiền Phong trao đổi với những người trong cuộc về một số vấn đề mà báo đề cập.

> Vàng trắng 'khoắng' rừng Tây Nguyên: Ai hưởng lợi ?

Đồng bào dân tộc thiểu số đang làm thuê cho Cty 194
Đồng bào dân tộc thiểu số đang làm thuê cho Cty 194.
 

Khan hiếm lao động

Huyện Chư Prông trọng điểm cao su của tỉnh Gia Lai với diện tích đất lâm nghiệp được giao chuyển đổi trồng cao su hơn 16.000 ha. Lao động tương ứng với diện tích này trong giai đoạn kiến thiết cơ bản khoảng 4.000 người.

Một số xã trọng điểm cao su như xã Ia Puch có diện tích trồng cao su gần chục ngàn hécta, nhưng có chưa đến 400 hộ dân. Doanh nghiệp đến trồng cao su không tìm đâu ra lao động.

Ông Thái Hồng Nhân, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Quang Đức Gia Lai trồng cao su ở Ia Puch nói: “Chủ trương của huyện và tỉnh là tuyển dụng người đồng bào tại chỗ để tạo công ăn việc làm. Nhưng cái khó là người dân không mặn mà với làm cao su. Chúng tôi đã xây dựng nhà ở đất vườn nhưng bà con không chịu vào”.

Cùng chia sẻ khó khăn về vấn đề lao động, ông Phạm Đình Luyến, Phó TGĐ Cty TNHH Một thành viên cao su Chư Păh cho biết: “Huyện Chư Prông có giới thiệu chúng tôi đi tuyển lao động tại thị trấn Chư Prông và xã Ia Phìn nhưng thực tế tuyển dụng cũng hết sức khó khăn. Ở xã Ia Phìn, xã bảo là không còn công nhân để vào làm trong công ty chúng tôi vì lao động của xã đã đi làm cà phê hết rồi”.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Prông cũng thừa nhận, việc quy hoạch và chuẩn bị lao động chưa theo kịp với quá trình chuyển đổi rừng và phát triển cao su đang được 10 doanh nghiệp triển khai rầm rộ trên địa bàn huyện.

Bỏ lửng hạ tầng?

Trình tự trồng cao su trên đất lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai quy định: dự án đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp phải thể hiện rõ nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng dự án. Gần 5 năm qua, các doanh nghiệp đã trồng mới khoảng 20.000 ha cao su trên diện tích rừng nghèo chuyển đổi của Gia Lai. Diện tích cao su lớn, địa bàn rộng nhưng các doanh nghiệp hầu như chưa đầu tư được gì cho cơ sở hạ tầng chung của địa phương.

Ông Phan Văn Linh, Phó chủ tịch xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết: “Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên là UBND huyện về việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cam kết thực hiện các dự án hạ tầng đó, nhưng đến nay vẫn chưa có gì cả”.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Tư Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh chia sẻ: “Trước mắt công việc trồng mới còn nhiều ngổn ngang, doanh nghiệp cũng có nhiều khó khăn riêng của họ. Cho nên, địa phương cũng phần nào chia sẻ với doanh nghiệp trong cái khó khăn về vốn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hoàng Công Lự cho biết: “DN làm hạ tầng phục vụ chính cho anh, điều đó chắc chắn phải làm, còn hạ tầng chung anh này bao nhiêu cây số, anh kia mấy trăm mét cái đó tỉnh đang có định hướng. Các DN đều có cam kết, song tổ chức triển khai thực hiện, chế tài thế nào đấy là vấn đề.

Tôi tin rằng khi cao su thu hoạch, các DN có điều kiện hơn, có nguồn thu nhập, lợi nhuận thì bắt buộc phải đầu tư hạ tầng hết. Những nông trường trồng cao su cách đây vài ba chục năm đã khai thác giờ, anh không bảo, người ta cũng phải đầu tư”.

Thu tiền giao đất hay không?

Một vấn đề khác, từ năm 2007 đến nay, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông chuyển đổi khoảng 50.000 ha rừng cho các doanh nghiệp trồng cao su. Trong khi tỉnh Kon Tum thu 12 triệu rồi 16 triệu đồng mỗi ha đất rừng khi giao cho các doanh nghiệp trồng cao su, các tỉnh còn lại không thu khoản tiền này. Việc thu hay không thu tiền dựa trên quy định pháp luật nào?

Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum, nói: “Trên cơ sở kết quả tính toán của chúng tôi, đối với rừng Tây Nguyên, lượng tăng trưởng bình quân của rừng từ 2-3%/năm. Chu kỳ chúng ta cho thuê rừng trồng cao su 30 năm, nếu không chuyển mục đích từ rừng nghèo sang trồng cao su thì lượng rừng tăng trưởng đến 30 năm sau bằng giá trị mà chúng tôi đang tính khoảng 16 triệu đồng. Đây là tính toán hoàn toàn có cơ sở dựa vào đề án định giá rừng.

Mặt khác, Kon Tum là tỉnh nghèo, trong khi các doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư, còn quỹ đất ngày càng ít đi thì việc kêu gọi để đóng góp thêm, trả thêm tiền này thì tôi cho rằng cũng là cách kêu gọi đóng góp cho tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định phát triển”.

Còn ông Hoàng Công Lự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lại cho rằng: “Tỉnh cũng đã tính đến chuyện đó, song sau đó xem lại thấy T.Ư không có quy định nào cho giao đất, thuê đất thu tiền. Chúng tôi chỉ có giao đất, yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, giải quyết việc làm cho đồng bào tại chỗ…Doanh nghiệp giải quyết tốt thì coi như góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Đạt, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nói: “Về mặt hạch toán đảm bảo các quyền lợi cho Nhà nước và cho doanh nghiệp tôi nghĩ rằng cái này phải lập lại trật tự. Chúng ta biết, trên thực tế hiện nay một ha đất của Tây Nguyên có khả năng trồng cà phê, trồng cao su trị giá khoảng 100 triệu đồng.

Chưa kể nó là đất rừng thì giá trị lâm sản trên mỗi ha đó phải năm bảy chục triệu nữa. Trong khi giá trị kinh tế lớn như vậy mà chúng ta lại có cơ chế “cho không” nên tạo ra sự chạy đua để xin-cho. Dân có người nói họ ở đây từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đã tham gia giữ rừng từ thời kháng chiến, đến bây giờ họ vẫn giữ rừng, nhưng họ chặt một vài cây gỗ thì lập tức bị bắt bị phạt, nếu là cán bộ đảng viên thì bị phê bình kiểm điểm.

Vậy mà khi đứng danh doanh nghiệp thì lập tức xin được năm bảy trăm ha, thậm chí cả nghìn ha đất rừng. Tôi cho rằng, rõ ràng nó tạo ra bất cập trong quản lý tài sản. Nhà nước mất đi tài nguyên rất lớn. Dân không được gì, chính quyền địa phương thì vất vả giải quyết tranh chấp. Dân cần có đất.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy tỷ lệ thiếu đất trong đồng bào Tây Nguyên không phải ít, có nơi không dưới 30% thiếu đất so với quy định. Trong khi DNTN xin 5-7 trăm ha, có DN lanh tay lẹ mắt được vài ba dự án, thu hái lâm sản trên đó rồi đặt cây cao su xuống sẽ có giá trị rất cao.

Về chủ trương này Thủ tướng chỉ đạo đặt ra mốc đến năm 2010, song lâu nay chưa có sơ kết tổng kết đánh giá thế nào là mặt tích cực, thế nào là mặt hạn chế, các giải pháp tiếp theo như thế nào. Riêng cá nhân tôi đề xuất, nên sơ kết đánh giá việc thực hiện chủ trương này để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp hiệu quả nếu tiếp tục triển khai”.

Huỳnh Kiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG