Tận thấy công nghệ phá rừng

Tận thấy công nghệ phá rừng
TP - Được tin một số lâm tặc ở rừng phòng hộ Long Đại dạt đi nơi khác tiếp tục phá rừng, PV Tiền Phong theo chân một nhóm đi tìm trầm hương, cùng ăn, cùng ở, cùng làm để vào tận sào huyệt của lâm tặc giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhóm của ông T. đang đánh vật với cây gõ có đường kính chừng 1m.

Về nơi lâm tặc lộng hành - kỳ 3:

Tận thấy công nghệ phá rừng

Trùm lâm tặc là em trai Hạt trưởng Kiểm lâm
> Tàn sát rừng phòng hộ

Xuyên rừng tìm lâm tặc

Nhóm tìm trầm hương chấp nhận cho PV đi cùng với điều kiện: Ăn mặc, mang vác, tác phong là “dân đi cội” (chỉ những người tìm trầm) và phải tuân thủ sự điều hành của trưởng nhóm.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ trên chuyến xe đò xuất phát từ TP Đồng Hới (Quảng Bình), nhóm 4 người chúng tôi đổ bộ đầu bản Xà Khía, thuộc xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) nằm dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Bản nằm ngay trung tâm xã Lâm Thủy nên khá sầm uất, không cách biệt mấy so với dưới xuôi.

Mặc dù đã 5 giờ chiều nhưng trưởng nhóm ra lệnh: Phải xuyên rừng ngay, để tránh bị người của lâm trường và bộ đội Biên phòng làm phiền. Một cái lán tạm được dựng ngay trong đêm bên một con suối cạn, cách bản Xà Khía chừng 3km đường rừng về phía Bắc, thuộc lâm phần của Lâm trường Khe Giữa, một thành viên của Cty Lâm công nghiệp Long Đại.

Đang ngủ li bì sau nhiều giờ vất vả mò mẫm trong đêm tìm nơi đóng lán, mới gần 6 giờ sáng, cả nhóm bị đánh thức bởi tiếng rít sàn sạt của hàng loạt máy cưa phát ra gần đó. Ăn xong bữa cơm đầu tiên ở rừng đã 8 giờ sáng. “Giờ chúng ta chia thành 2 nhóm đi “đạp côi” (tìm gốc dó trầm). Anh em mang theo bẫy tìm nơi thuận lợi mà đặt để cải thiện bữa ăn. Nhà báo đi với tôi để tác nghiệp luôn. Hẹn gặp lại nhau tại lán lúc 4 giờ chiều” - trưởng nhóm ra lệnh.

Là “dân rừng” với nhau, chúng tôi không khó khăn lắm để tiếp cận nhóm lâm tặc đầu tiên. Nhóm này có 3 người, đang đánh vật với một cây gõ có đường kính gần 1m, dài chừng 15m vừa được chặt hạ. Họ lần lượt cắt cây gõ thành nhiều khúc, bóc bìa, sau đó tiếp tục được cắt nhỏ theo kích cỡ đặt hàng.

Thấy “bạn rừng” quan tâm hỏi han, người đàn ông lớn tuổi nhất nhóm có tên là T. cởi mở: Nhóm của ông đều là những người trong một gia đình, sinh sống ở bản Xà Khía. Năm nay ông T. 45 tuổi và bắt đầu khai thác gỗ chuyên nghiệp từ tuổi 15. “Trước chặt được một cây gỗ ra khỏi rừng vất vả lắm, toàn làm bằng rìu rựa và cưa tay. Cái cưa máy ni tui mới mua được cách đây 5 năm, giá 15 triệu đồng. Dùng hắn tiện lắm, cây gỗ có to mấy, nằm ở góc mô cũng có thể hạ xuống được” - ông T. nói.

Ông T. cho biết thêm, một ngày nhóm của ông có thể làm được 0,7m3 gỗ theo kích cỡ đặt hàng. Thêm 2 ngày vận chuyển về bản là có tiền triệu trong tay. Ông đang làm theo đơn đặt hàng, loại dùng để tiện chân đỡ của những bộ phản ngựa. “Bọn tui khai thác chủ yếu 3 loại gỗ là gõ, lim và sến, các loại khác chưa đụng đến. Người dưới xuôi nói, những loại gỗ này ở đây tốt hơn những nơi khác nhiều nên họ rất thích” - ông T. nói.

PV Tiền Phong phải làm việc, sinh hoạt như những lâm tặc thực thụ
PV Tiền Phong phải làm việc, sinh hoạt như những lâm tặc thực thụ.

Theo ông T. dân cả xã Lâm Thủy chủ yếu làm nghề rừng. Riêng bản Xà Khía đã có hơn hai chục chiếc cưa máy như của ông. Trước đây, mỗi bản trong xã chia nhau mỗi lâm phần và như luật bất thành văn, không ai xâm phạm của ai. Song nay các đầu nậu dẫn người dưới xuôi tràn lên, nên mạnh ai nấy chặt. Dân bản địa hay dân dưới xuôi, tất cả đều làm công cho các đầu nậu.

Cách nhóm của ông T. không xa là vợ chồng anh H. cũng ở bản Xà Khía. Chỉ mới nửa buổi sáng vợ chồng anh này đã hạ được 3 cây gỗ to, đường kính xấp xỉ 1m. Anh H. (chừng 35 tuổi) cho biết, sáng nay vợ chồng anh chỉ đi tìm và hạ gỗ trước, chiều mới cưa xẻ. Cả 3 cây gỗ mà vợ chồng anh H. vừa hạ đều là gõ. “Đợt ni họ đặt hàng nhiều lắm nên dân làm gỗ nhiều. Mình cưa trước rứa để làm dần, khỏi người khác họ cưa mất” - anh H. nói.

Đi hết một mái rừng, chúng tôi bắt gặp đến 7 nhóm khai thác gỗ từ 2 đến 5 người, đủ mọi thành phần. Tiếng máy cưa rít sàn sạt khắp vùng.

Lãng phí của rừng

Khu rừng đang bị tàn phá trên nằm giữa bản Xà Khía và bản Bạch Đàn của xã Lâm Thủy, thuộc lâm phần Lâm trường Khe Giữa. Rừng ở đây có nhiều cây cổ thụ đường kính từ 70cm đến vài mét và tập trung dày nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu, gõ...

Do khai thác theo đơn đặt hàng, hầu như lâm tặc chỉ lấy khoảng 1/3 cây gỗ. Chúng tôi bắt gặp nhiều cây gõ, cây lim đường kính cả mét, dài cả chục mét, sau khi cưa, xẻ lấy được bộ phản ngựa, phần còn lại lâm tặc quăng lăn lóc giữa rừng. Theo ước tính của PV, chỉ trong diện tích chừng 1km2, lượng gỗ bị thải loại để lại trong rừng lên đến cả trăm m3 và tập trung nhiều nhất ở các khe cạn.

Gỗ loại thải ngổn ngang và chất đầy ở các khe cạn trong rừng
Gỗ loại thải ngổn ngang và chất đầy ở các khe cạn trong rừng.

Theo giải thích của anh bạn tìm trầm, loại gỗ thải dồn ứ ở những khe cạn là do lâm tặc vứt lại giữa rừng. Gặp trời mưa lũ, nước đẩy gỗ trôi xuống chất đống ở những khe nước cạn.

Gỗ rừng càng ngày càng đắt khiến lâm tặc mọc lên như nấm. Ngay trên đường về lán, PV gặp một người đàn ông có tên M. người Xuân Ninh đang gùi một phiến gỗ gõ nặng chừng 50kg. Ông M. cho biết, bị bộ đội biên phòng đẩy đuổi ra khỏi rừng phòng hộ Long Đại, nhóm của ông lần mò lên đây tiếp tục hành nghề.

“Do không quen địa hình, chưa thể khai thác quy mô được. Trâu kéo đang để ở dưới ấy cả nên phải mang vác nặng nhọc như ri đây. Nếu mà vài bữa nữa tình hình dưới đó vẫn căng thì chắc anh em cũng phải kéo lên đây cả, nghề rừng mà, không làm thì đói” - ông M. nói.

Vùng rừng 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình) được đánh giá là rừng giàu và tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm. Diện tích rừng ở đây phần lớn thuộc sự quản lí của các Ban quản lý rừng phòng hộ và các lâm trường thuộc Cty Lâm công nghiệp Long Đại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG