Phải trả ơn nông dân

Không nên để người nông dân “tự suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình”
Không nên để người nông dân “tự suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình”
TP - “Phần đông trong chúng ta đều là con em nông dân, có nguồn gốc từ nông thôn. Đầu tư xây dựng nông thôn mới là để đền ơn, trả nghĩa cho người nông dân, cho tổ tiên và nơi sinh ra mình”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng chia sẻ với PV Tiền Phong về Chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Không nên để người nông dân “tự suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình”
Không nên để người nông dân “tự suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình”.
 

Vị thế nông dân đang xuống

Hiện nay vị thế của nông dân, nông thôn đang ở đâu, thưa ông?

Nông dân vẫn là tầng lớp bị thua thiệt nhiều nhất, vị thế đang xuống, cả kinh tế và chính trị. Điều này tôi đã nói với các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Sự thống nhất cao từ trên xuống dưới trong đầu tư cho nông thôn- không phải là tiền mà cả nguồn nhân lực, cán bộ cơ sở- chưa được tốt. Có cán bộ xã nói với chúng tôi rằng họ bị xem thường, coi như ngoài hệ thống hành chính mặc dù là một cấp hành chính hẳn hoi.

Đây là nơi thay mặt Đảng, nhà nước giải quyết những vấn đề trực tiếp với nhân dân. Nhưng sự đầu tư, đào tạo, chế độ đãi ngộ cho cán bộ cơ sở chưa đúng mức. Chính sách cho nông nghiệp cũng vậy, đã có thời kỳ coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nhưng nhiều lúc nửa vời bỏ lơ bỏ lửng.

Nhiều cán bộ hoạch định chiến lược vốn là con em nông dân nhưng khi làm chính sách động đến nông thôn là lảng đi, không muốn đầu tư cho nông thôn vì đầu tư lớn lắm mà lại phân tán. Tôi biết không ít cán bộ không hào hứng trong xây dựng chính sách cho nông thôn.

Vì vậy, lần đầu tiên Đảng ta có Nghị quyết 26 về vấn đề Nông nghiệp-Nông dân- Nông thôn (tam nông) là nghị quyết đầy đủ nhất, toàn diện nhất. Nghị quyết này đã tạo được sự đồng thuận lớn của các tầng lớp nhân dân, chứ không chỉ riêng cư dân nông thôn. Bởi phần đông cư dân đô thị, cán bộ các cấp đều là con em nông dân, có nguồn gốc từ nông thôn.

Đây vừa là sự đền ơn, đáp nghĩa với nông dân, nông thôn, vừa đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Thực hiện Nghị quyết, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã cho làm thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 11 xã đại diện cho 11 vùng kinh tế, văn hóa trong cả nước, Chính phủ đã có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Vậy, qua thí điểm chúng ta đã nhìn rõ hình hài Nông thôn mới tại Việt Nam chưa?

Đến nay hình hài Nông thôn mới đã rõ. Trong đó, người dân là chủ thể xây dựng Nông thôn mới với điểm nổi bật là quy hoạch khác với sự phát triển tùy tiện trước đây. Tập trung giải quyết sản xuất, nâng cao đời sống người dân, cả sản xuất nông nghiệp và chuyển nghề cho nông dân. Hiện có xã làm thí điểm Nông thôn mới đã có thu nhập gấp 2- 2,5 lần cách đây 2 năm. Hạ tầng nông thôn làm bài bản, hiện đại hơn.

Cụ thể việc người dân tham gia làm chủ thể xây dựng Nông thôn mới ra sao?

Mục tiêu xây dựng Nông thôn mới không phải là điện, đường, trường, trạm mà cái chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mọi việc làm đều phải hướng vào mục tiêu này. Trong đó, nông dân phải là chủ thể. Trong xây dựng Nông thôn mới tại 11 xã điểm điều này thể hiện rất rõ từ làm quy hoạch cho đến quyết định đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

Tuy nhiên, tại các xã khác, trong quá trình làm quy hoạch, không ít địa phương còn dựa vào tư vấn, thậm chí ỉ lại vào tư vấn. Điều này là sai bởi không ai hiểu nông thôn bằng chính những người dân đang sinh sống ở đó. Nông thôn Việt Nam đã có từ nghìn đời nay.

Việc làm quy hoạch lần này để hiện đại hoá nông thôn, chứ không phải phá nông thôn cũ để làm nông thôn mới. Cho nên buộc phải lấy ý kiến người dân và tự người dân quyết định. Chúng ta không làm thay họ được. Nguyên tắc là cái gì người dân làm được thì để người dân làm, chỉ thuê làm những gì họ không làm được. Cái gì cũng A, cũng B là
không được.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng.
 

Không thể tư duy dự án

Thế nhưng có thực tế là nhiều địa phương mới chỉ tập trung đầu tư làm hạ tầng mà chưa chú trọng đến khâu sản xuất, nâng cao thu nhập người dân?

Nghị quyết đã khẳng định xây dựng hạ tầng là khâu căn bản. Mà thay đổi bộ mặt nông thôn thì phải hiện đại hóa hạ tầng, không thể khác được. Có người dân nói với tôi rằng: “Bác Hùng ơi, nếu làm Nông thôn mới thì cho chúng em con đường mới bởi con đường từ xã lên huyện khó khăn, khổ sở quá, hàng hóa không lưu thông được. Nếu không có con đường mới thì thà ở nông thôn cũ còn hơn”. Đấy là một yêu cầu thực sự, chính đáng. Nhưng trong chương trình Nông thôn mới không chỉ có hạ tầng, mà hạ tầng chỉ là một nội dung.

Còn quá trình chuyển đổi sản xuất là phải có thời gian, có thể là nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi truyền thống, như tại xã Gia Phố (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã phát huy hiệu quả từ cây bưởi. Nơi khác thì đưa cây trồng mới năng suất cao vào. Nhưng phải tính toán cẩn trọng chứ không phải nay làm, mai
phá được.

Còn hiện nay để người dân “tự suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình” là không được đâu, mà phải giúp, hướng dẫn họ. Nếu để họ tự suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình mà làm giàu được thì nông dân đã làm lâu rồi, không cần phải chờ chúng ta.

Trong cơ chế cạnh tranh hiện nay, không phải là giá rẻ, năng suất cao mà điều quan trọng là biết khai thác bản sắc của địa phương, đặc sản của địa phương. Đấy mới là lợi thế cạnh tranh. Trong nông nghiệp yếu tố tiểu khí hậu dẫn đến đặc sản địa phương rất quan trọng.

Nhu cầu hạ tầng là rất bức xúc, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu cứ tư duy dự án ở các địa phương thì mục tiêu tổng thể sẽ không đạt được?

Đúng! Không thể tư duy dự án được. Mà xây dựng Nông thôn mới là một cuộc vận động của toàn Đảng, toàn dân. Do vậy, chúng ta mới phát động cả nước xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, có những việc làm cụ thể như xây mới một trường học thì thực chất là một dự án chứ không thể nói khác được. Còn tổng thể chương trình là một cuộc vận động.

Phải nâng được đời sống nông dân

Còn tiêu chí nâng cao thu nhập, các địa phương đều kêu rất khó đạt được?

Ai làm Nông thôn mới? Đó là nông dân. Ai cùng làm với họ? Đó là các doanh nghiệp, các tổ chức, cả cộng đồng. Còn nếu nông dân tự làm được thì họ làm lâu rồi” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng.

Ngay khi soạn thảo, chúng tôi đã thấy đây là tiêu chí khó nhưng chúng ta phải làm bởi mục tiêu là nâng cao đời sống người dân. Nếu hạ tầng tốt nhưng đời sống người dân còn khổ thì không được. 87% hộ nghèo cả nước sống ở nông thôn. Khoảng cách số đông người nghèo ở nông thôn với người giàu đã quá xa rồi. Nên đây là tiêu chí buộc phải hoàn thành.

Một số địa phương đề nghị chúng tôi sửa tiêu chí này, nhưng chúng tôi khẳng định không thể sửa. Bởi, chúng ta không chạy theo chủ nghĩa thành tích. Có thể 5 năm chưa đạt, thì 10 năm sau đạt, 10 năm chưa đạt thì 20 năm nhất định sẽ đạt. Phải nâng được đời sống người dân lên.

Nhưng đến nay mới có 5/11 xã thí điểm đạt tiêu chí khó này, sự khác biệt ở nơi đạt so với các xã khác là gì, thưa ông?

Có cả hai yếu tố. Thứ nhất là các xã đạt có điều kiện phát triển hơn. Thứ hai là sự quan tâm, đầu tư vào khâu sản xuất, nâng cao thu nhập, tốt hơn. Như xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) trong những năm qua các doanh nghiệp về rất nhanh, đầu tư phát triển nghề trồng rau.

Hay ở Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) là nhờ Tổng Cty Thuốc lá đưa đơn đặt hàng về cho người dân. Nhìn chung, nơi nào kéo được doanh nghiệp về thì phát triển nhanh, còn các nơi khác thì đúng là đang có khó khăn trong việc nâng cao thu nhập cho
nông dân.

Như vậy là nếu không đưa doanh nghiệp, đô thị về nông thôn thì mục tiêu xây dựng Nông thôn mới sẽ khó thành công, thưa ông?

Thực ra, khi xây dựng đề án này chúng tôi đã nghĩ đến việc này. Phương châm đặt ra là phải dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp, dùng đô thị tác động vào nông thôn, dùng công nhân, thương nhân, trí thức tác động vào nông dân. Chứ không thể nhà nước làm thay. Nhà nước có đứng ra mua hàng cho nông dân đâu, mà phải là các doanh nghiệp.

Vừa rồi Chính phủ đã ban hành Nghị định 61, giúp kéo doanh nghiệp về nông thôn bằng những chính sách cụ thể. Nông thôn là hạ tầng kém, kinh doanh nông nghiệp rủi ro cao, thì nhà nước phải có chính sách hỗ trợ. Điều quan trọng hơn theo tôi là khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước của các chủ doanh nghiệp. Họ đầu tư ở chính làng quê của mình là để đền ơn, trả nghĩa cho người nông dân, cho tổ tiên nơi sinh ra mình.

Cám ơn ông.

Ngọc Tiến thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG