Lúng túng quản lý nhà bè trên vịnh Hạ Long

Nhà bè trên vịnh Hạ Long - Quảng Ninh
Nhà bè trên vịnh Hạ Long - Quảng Ninh
TP - Sau nhiều vụ chìm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), việc tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý các phương tiện thủy hoạt động dịch vụ đã được thực hiện. Thế nhưng, trong khi hơn 600 nhà bè, nhà hàng nổi hoạt động trên biển thì cơ quan quản lý chức năng lại vẫn thiếu các quy định điều chỉnh.

> Hà Nội ra quân kiểm tra phương tiện thủy

Nhà bè trên vịnh Hạ Long - Quảng Ninh
Nhà bè trên vịnh Hạ Long - Quảng Ninh.

Theo thống kê của UBND TP Hạ Long, trên vịnh Hạ Long có tới 619 nhà bè các loại. Trong đó riêng nhà bè được sử dụng để kinh doanh ăn uống, dịch vụ có khoảng 65 chiếc và trên địa bàn Quảng Ninh con số này lớn hơn rất nhiều.

Riêng tại khu vực cột 5, Hồng Hà, TP Hạ Long đã có 7 nhà bè kinh doanh ăn uống. Hằng ngày có hàng trăm thực khách xuống bè. Kinh doanh ăn uống trên biển từ lâu đã là một nét rất riêng tại TP Hạ Long, Cẩm Phả, Yên Hưng…

UBND tỉnh Quảng Ninh có quy định rõ số nhà hàng này chỉ được phép neo đậu tại khu vực này, chủ tàu không được phát triển thêm số lượng vì các lý do kỹ thuật như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và các vấn đề xã hội khác phát sinh. Trong nhiều năm, số nhà bè này vẫn hoạt động và gần như chưa xảy ra điều gì đáng tiếc. Tuy nhiên, không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu thiên tai bất thường ập đến.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, các nhà bè kinh doanh ăn uống đều được đóng bằng gỗ. Nền là phao nhựa, xốp…Trước đây, các nhà bè đều chỉ một tầng nhưng hiện nhiều nhà bè mở rộng nâng cấp thành hai tầng. Một quản lý nhà bè cho biết, thực khách hoàn toàn yên tâm vì nhà bè được đóng chắc chắn, được neo chặt và ở nơi kín gió…

Tuy nhiên, khi được hỏi, an toàn dựa theo tiêu chí nào, nhà bè chịu được gió cấp bao nhiêu… thì người này không trả lời được. Anh Vinh, một cán bộ thuộc ngành Than thường đưa bạn bè xuống nhà bè nhậu cho biết, ăn uống tại nhà bè rất ngon miệng nhất là vừa ăn vừa được ngắm biển. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu đặc thù rất khó nói trước về độ an toàn.

Tiêu chuẩn nào cho an toàn nhà bè

Ông Hoàng Quang Hải, Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP Hạ Long cho biết, số nhà bè này cùng với hàng trăm nhà bè khác trên vịnh Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh, thành phố rất quan tâm và tích cực kiểm tra, giám sát và đưa ra nhiều quy định, giải pháp để giữ ổn định, an toàn.

Ông Hoàng Quang Hải cho biết, nhà bè kinh doanh trên biển, di chuyển trên biển nhưng không bị chi phối bởi Luật Đường thủy nội địa, luật xây dựng…và cũng phông phải là phương tiện thủy nội địa.

 

TP Hạ Long đã có quy định về điểm neo đậu và gắn biển quản lý cho hàng trăm nhà bè. Nhà bè là loại hình cư trú mang tính lịch sử tồn tại trên vịnh Hạ Long từ rất lâu và không dễ dẹp bỏ và quản lý.

Trong điều kiện thiên nhiên bất thường nhiều nhà bè vẫn chìm và lật bởi kết cấu của phao không được thiết kế theo quy định cụ thể nào. Tìm đỏ mắt trong luật Xây dựng cũng không có quy định nào và hướng dẫn nào về tiêu chuẩn an toàn cho nhà bè.

Đáy bè phải làm bằng phao gì, bao nhiêu phao, tiết diện bao nhiêu. Đây là lý do khiến các nhà bè được dựng lên theo kinh nghiệm và khả năng kinh tế của chủ bè. Riêng nhà bè kinh doanh ăn uống thì được điều chỉnh bởi một số chế tài của các luật Môi trường, Y tế, An toàn thực phẩm và dính một số quy định của các luật khác.

Theo các quy định nếu xảy ra tai nạn chết người thì hàng loạt cơ quan phải chịu trách nhiệm, nhưng cụ thể thì không ai phải chịu trách nhiệm, chính vì thế công tác quản lý nhà bè rất phức tạp. Cứ tới mùa mưa bão, an toàn của các nhà bè là nỗi lo thường trực của các ngành chức năng.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trình Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch dân cư làng chài nhưng vẫn chưa được duyệt, bởi thiếu các quy chuẩn, quy phạm về nhà bè nói chung và văn bản pháp lý về các vấn đề liên quan việc đảm bảo an toàn cho con người trên các nhà bè…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG